Đó là khẳng định của Tổng Lãnh sự Đức tại TPHCM, ông Andreas Siegel, tại buổi hội thảo chuyên đề Năng lượng gió tại Việt Nam do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức ngày 6-11.
Chia sẻ với nhận định của Tổng Lãnh sự Đức, các diễn giả tại hội thảo đều cho rằng, trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm ô nhiễm môi trường, đe dọa cuộc sống người dân toàn cầu, thì phát triển năng lượng tái tạo - nguồn năng lượng sạch - là vô cùng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Ông Berthold Breid, Giám đốc Renewables Academy AG (Renac), cho biết, sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản, Chính phủ Đức đã đưa ra chính sách loại bỏ điện hạt nhân (dự kiến năm 2022, nhà máy điện hạt nhân cuối cùng sẽ dừng hoạt động) và tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Hiện năng lượng tái tạo của Đức đã chiếm 36% tổng các nguồn năng lượng.
Với Việt Nam, các diễn giả cho rằng, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió. Với lợi thế đường bờ biển dài, Việt Nam có thể phát triển điện gió ngoài khơi hay với những địa phương có tài nguyên gió tốt, có thể làm những trang trại gió lớn mà nhà máy điện gió Phú Lạc ở Bình Thuận là một ví dụ...
Theo dự thảo kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia của Viện Năng lượng thuộc Bộ Công thương, đến năm 2020, sản lượng điện gió dự tính có thể đạt hơn 1.600 MW. Con số này vào năm 2030 có thể là hơn 11.000 MW.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng), cũng chỉ ra những thách thức trong phát triển điện gió tại Việt Nam như chính sách còn nhiều vướng mắc; quy định về công nghệ bất cập; quỹ đất dành cho trang trại gió còn hạn chế; đường dây truyền tải chưa đáp ứng yêu cầu...
Bà Vũ Chi Mai, chuyên gia đến từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cho biết Việt Nam - Đức xác định năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực hợp tác chiến lược. Vì vậy, GIZ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, giúp cải thiện các điều kiện khung pháp lý, phát triển năng lực và hợp tác về công nghệ để thời gian tới, Việt Nam có thể phát triển mạnh trong lĩnh vực điện gió vốn có nhiều tiềm năng.
(Theo SGGP)