Trên thực tế, vào tháng 5.2019, Viettel cũng đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam nhưng trên thiết bị do nước ngoài sản xuất, cụ thể là của Ericsson.
Việc thực hiện cuộc gọi 5G trên thiết bị "Make in Vietnam” mang một ý nghĩa khác là khả năng sản xuất thiết bị 5G của các nhà mạng Việt nói riêng và doanh nghiệp công nghiệp – công nghệ Việt Nam nói chung.
Bình luận về sự kiện này, nhà báo công nghệ Phạm Hồng Phước cho rằng: "Nếu chỉ xét riêng về cuộc gọi trên nền tảng 5G thì không có gì đáng nói. Nhưng cuộc gọi 5G trên thiết bị do Viettel sản xuất cho thấy khả năng chúng ta có thể làm chủ công nghệ và sản xuất được các thiết bị 5G. Điều này rất quan trọng và chúng ta cần ủng hộ vì hiện nay tính bảo mật của 5G đang được rất quan tâm. Việc sử dụng thiết bị 5G "Make in Vietnam” cho các lĩnh vực quốc phòng hay cơ quan nhà nước còn giúp đảm bảo sự bảo mật và an toàn”.
Tuy nhiên, nhà báo Phạm Hồng Phước cũng cho rằng, ngoài những lĩnh vực cần sự bảo mật và an toàn cao thì ở lĩnh vực dân sự, chúng ta cần mở rộng sự mời gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu và phát triển, sản xuất các thiết bị 5G, IoT (Internet of Things) từ đó mới có thể giúp thúc đẩy được thị trường 5G tiến nhanh.
Nền tảng để phát triển xã hội số, kinh tế số
Viettel đã trở thành 1 trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới thực hiện cuộc gọi 5G thành công và đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia triển khai công nghệ 5G một cách sớm sủa.
Tuy nhiên, con đường thương mại hóa 5G và phát triển một nền sản xuất công nghiệp các thiết bị 5G và IoT còn cả một quãng dài phía trước.
Lộ trình của nhà mạng này sẽ thương mại hóa 5G Microcell vào tháng 6 tới và đến tháng 6.2021 mới thương mại hóa trên toàn mạng lưới.
Ông Lê Đăng Dũng – Quyền chủ tịch, Tổng giám đốc của Viettel – cho rằng: "5G sẽ là quyết định sự thành công của xã hội số”.
Trên thực tế, 5G có tốc độ truyền tải nhanh gấp hàng chục lần so với 4G nhờ đó mới đủ sức kết nối thế giới thiết bị Internet vạn vật (IoT) và truyền tải dữ liệu một cách nhanh chóng, đủ sức gánh vác khả năng đáp ứng phân tích những khối lượng dữ liệu lớn với sự phản hồi kết quả nhanh chóng.
5G sẽ là mạng kết nối và truyền tải tốc độ cao làm nền tảng cho các công nghệ khác của thời đại sản xuất Công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn… được vận hành một cách trơn tru.
Trong một số hội nghị về công nghệ gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp công nghiệp - công nghệ lớn của Việt Nam như VinSmart, FPT, VNPT… tham gia vào sản xuất các thiết bị 5G, IoT trong chủ trương "Make in Vietnam” để làm chủ công nghệ, xây dựng nền sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.
(Theo LĐO)