Trong những năm qua, cây khoai sọ nương đã góp phần đáng kể vào tổng sản lượng lương thực hàng năm của huyện Trạm Tấu, đây là cây lương thực đặc sản đứng sau lúa và ngô. Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; cùng đó, việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý, sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm….
Hiện, khoai sọ Trạm Tấu đang bán ở các chợ đầu mối Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội… và trồng khoai sọ thu nhập cao hơn trồng lúa lại ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí thấp… Để giúp bà con biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản giống khoai sọ nương Trạm Tấu, chúng tôi xin hướng dẫn kỹ thuật như sau:
1. Thời vụ, mật độ trồng:
- Về thời vụ: đối với cây khoai sọ nương Trạm Tấu chỉ gieo trồng 1 vụ trong năm, thời vụ gieo trồng tốt nhất trong tháng 3 và đầu tháng 4 khi bắt đầu có mưa đất đủ độ ẩm, thu hoạch vào trung tuần tháng 10 đến cuối tháng 11 dương lịch.
- Về mật độ: mật độ trồng hợp lý giúp cho quần thể ruộng khoai, nương khoai sinh trưởng tốt, cho năng suất cao tùy theo điều kiện khí hậu, đất đai từng nơi, có thể trồng theo khoảng cách, mật độ như sau: hàng cách hàng 70cm; cây cách cây 65 cm ( mật độ khoảng 22.000 cây/ha)
2. Làm đất:
Nên chọn đất tơi xốp, dễ thoát nước, lên luống rộng 1,5 - 2,0 m trồng 2 hàng trên luống đối với đất ruộng; đối với đất nương đồi, tùy vào độ dốc để bố trí mật độ và kỹ thuật làm đất cho phù hợp; đất được cày bừa kỹ hoặc có thể làm đất tối thiểu tùy vào điều kiện, nhặt sạch cỏ dại; đào hố với kích thước 25 x 25 x 25cm.
3. Lượng phân bón, cách bón:
- Phân bón hợp lý cho khoai sọ nương Trạm Tấu cần phải dựa vào đặc điểm các thời kỳ sinh trưởng, phát triển, tính chất đất đai, điều kiện khí hậu và đặc điểm của từng loại phân bón. Đất xấu cần bón nhiều phân, thâm canh cần tăng lượng phân bón.
- Lượng phân: tuỳ điều kiện cụ thể có thể bón 13 - 15 tấn phân chuồng hoai mục/ha; đạm Ure 280 - 300kg/ha; Supe lân 420- 450 kg/ha; Kali 280 - 300 kg/ha; Vôi bột 420 - 450kg/ha.
- Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân tập trung vào hố trồng; bón thúc lần 1 tiến hành khi cây được 3 lá, bón 1/2 lượng phân đạm và 1/3 lượng phân kali; bón thúc lần 2 sau lần thứ nhất 2 tháng khi củ bắt đầu hình thành và phát triển và bón 1/2 lượng phân đạm, 2/3 lượng phân kali còn lại; bón phân cách gốc khoảng 8 - 10 cm, không bón quá sâu hoặc quá xa gốc.
4. Trồng và chăm sóc:
- Trồng: phương pháp trồng hợp lý sẽ tạo điều kiện cho củ giống mọc mầm đều, dạng củ ít bị biến dạng; trồng các củ con phải trồng sâu dưới mặt đất khoảng 5 - 7 cm, tránh tiếp xúc trực tiếp với phân; trồng nông, củ cái mới sẽ phát triển lên trên bề mặt đất, củ ăn sẽ bị sượng; đặt củ sao cho mầm chính hướng lên trên để thúc đẩy quá trình nảy mầm được thuận lợi.
- Giữ ẩm: trồng xong cần phủ một lớp rơm rạ hay cỏ khô trên mặt luống trồng trên ruộng hoặc theo hàng khoai trồng trên nương là rất cần thiết để giữ ẩm cho củ giống mọc mầm nhanh, hạn chế cỏ dại, giúp cho cây sinh trưởng phát triển mạnh.
- Vun gốc: sau khi trồng 2 - 3 tháng cây đã mọc khỏe, vun gốc cao 15 - 20cm, rộng 40 - 50 cm để rễ bất định mọc nhiều, tăng khả năng chống hạn cho cây, hạn chế mầm ngọn nảy sinh, tạo điều kiện cho cây mẹ phát triển.
5. Phòng trừ sâu bệnh hại:
- Đề phòng một số loại bệnh; trong đó, có bệnh mốc sương thường phát sinh vào thời kỳ nhiệt độ cao và độ ẩm lớn, bệnh nặng gây thành dịch; luân canh 3 - 4 năm cần thay đổi cây trồng khác; chọn củ giống kháng bệnh, tránh các vết thương cơ giới ở phần trên và phần dưới của cây; lúc bệnh mới phát sinh, phun thuốc Boocđo 1% hay Ridomil MZ 0,2%, Anvil 0,2%; dùng Dipterex 0,2 - 0,3% để phòng trừ các loại sâu hại lá.
6. Thu hoạch và bảo quản củ giống:
- Thu hoạch: khi lá chuyển sang màu vàng và khô dần là lúc củ đã già, hàm lượng tinh bột khá cao, hương vị củ thơm ngon có thể thu hoạch củ. Vụ thu hoạch chính vào trung tuần tháng 10 dương lịch. Nếu cần kéo dài thời gian cung cấp cho thị trường thì thu hoạch kéo dài đến cuối tháng 11 dương lịch hàng năm.
- Bảo quản củ giống: củ làm giống phải để thật già mới thu hoạch; trước khi thu hoạch vài ngày, cần cắt lá và bẹ phía trên củ 2 - 3 cm, để vết cắt khô; thu hoạch củ lúc thời tiết khô ráo tránh củ bị thối trong thời gian cất giữ; củ giống thu về, để nơi thoáng mát, tốt nhất là xếp vào sàn được làm bằng tre, gỗ, chọn và loại bỏ các củ bị sây sát, nếu thấy củ thối phải nhặt riêng để tránh lây lan.
KS: Nguyễn Thị Hằng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái)