Yên Bái ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/5/2021 | 11:08:57 AM

YênBái - Thực hiện “Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái, từ năm 2013 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã triển khai thực hiện cùng sự phối hợp của các địa phương, cơ quan chuyên môn liên quan.

Sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên cây ngô tại địa bàn tỉnh Yên Bái từ tháng 4 năm 2019.
Sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên cây ngô tại địa bàn tỉnh Yên Bái từ tháng 4 năm 2019.

Triển khai thực hiện Đề án, Sở NN&PTNT đã tổ chức điều tra, thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2018. Qua đó đã kiểm soát, giám sát các cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản và không phát hiện trường hợp nào tham gia nuôi, lưu trữ, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ trái phép tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ trên địa bàn tỉnh; cây mai dương xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và mọc đơn lẻ hoặc từng bụi rải rác ven đường, bờ kênh, tạo thành thảm, đan xen dày đặc khu đất hoang, ven bờ sông Hồng, sông Chảy, hồ Thác Bà; ốc bươu vàng phân bố gây hại trên cây lúa tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố, diện tích xuất hiện và gây hại bình quân/năm khoảng 1.000 ha. 

Từ tháng 4/2019, sâu keo mùa thu xuất hiện, gây hại trên cây ngô tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với diện tích nhiễm khoảng 300 ha/vụ. Đây là loài sâu mới xâm nhập vào nước ta theo con đường du nhập tự nhiên (chưa nằm trong danh mục loài ngoại lai xâm hại), có sức tàn phá mạnh, trưởng thành có khả năng di chuyển hàng trăm cây số, đẻ nhiều lứa gối nhau trên đồng ruộng. 

Sở phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam năm 2020 thực hiện điều tra, đánh giá tác động của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đến môi trường sinh thái, đề xuất các biện pháp quản lý và xác định danh mục sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh gồm: cỏ lào, cây ngũ sắc, cây trinh nữ móc, cây cứt lợn, cây cúc bò, cây keo giậu, cây lược vàng, cây cỏ nước lợ. Trong đó, cây ngũ sắc có mật độ phân bố phổ biến nhất, được trồng làm cảnh, trồng tại dải phân cách cứng trên đường nối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trồng làm hàng rào. Còn lại, các đối tượng khác chủ yếu mọc hoang, ven đồi núi. 

Căn cứ đặc điểm gây hại, khả năng phát tán của các loài ngoại lai xâm hại, Sở đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Cụ thể như tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, ngăn chặn việc nhân nuôi, vận chuyển, phát tán ốc bươu vàng; chủ động phòng chống sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô để hạn chế lây lan, phát tán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; chú trọng kiểm soát, diệt trừ các đối tượng sinh vật ngoại lai nghiêm trọng gồm: ốc bươu vàng, cây mai dương, cây trinh nữ móc. 

Ngăn chặn sớm các loài ngoại lai xâm hại, Sở xác định việc chủ động kiểm soát ngay từ khâu nhập khẩu, nuôi trồng là rất quan trọng. Trên cơ sở đó, Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan trực thuộc nâng cao năng lực cho cán bộ kiểm dịch tại các chốt kiểm dịch thực vật và động vật, các ban quản lý kiểm tra chặt chẽ, đặc biệt ở những địa bàn giáp ranh nhằm kiểm soát các loài ngoại lai khi nhập khẩu hoặc người dân mang theo đường tiểu ngạch vào địa bàn tỉnh. Khi có đối tượng có nguy cơ xâm hại như ốc bươu vàng, sâu keo mùa thu xuất hiện, Sở chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, không để gây hại đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. 

Đối với ốc bươu vàng, hàng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, thông báo, dự báo, hướng dẫn các địa phương thực hiện phòng trừ bằng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp: diện tích phòng trừ trung bình 12.000 ha/vụ/năm, hàng vụ diệt trừ khoảng 500 kg ốc, 100 kg trứng ốc. Đối với sâu keo mùa thu, Sở ban hành văn bản hướng dẫn biện pháp phòng trừ, phối hợp cùng cơ sở điều tra, rà soát, khoanh vùng phạm vi gây hại, tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền nên đến nay, các địa phương và người dân đã chủ động quản lý hiệu quả.

Hiện nay, chưa có chương trình khảo nghiệm về sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, công tác điều tra, giám sát chỉ mới được thực hiện lồng ghép trong các hoạt động điều tra, phát hiện dịch hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Giải quyết đồng bộ những khó khăn về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao hiểu biết cho người dân và đẩy mạnh công tác phối hợp là cơ sở giúp Yên Bái tiếp tục thực hiện hiệu quả việc ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trong những năm tới.

Ngày 17/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020”. Thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Yên Bái, Sở NN&PTNT tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án này; chỉ đạo kiểm tra, giám sát, điều tra, thống kê, đánh giá hiện trạng các loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về loài ngoại lai xâm hại đối với môi trường, đa dạng sinh học và không thực hiện các hành vi nuôi trồng, phát tán, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại và các loài có nguy cơ xâm hại trái với quy định của pháp luật.

Nguyễn Thơm

Tags Yên Bái kiểm soát sinh vật ngoại lai

Các tin khác
Một ca nội soi chẩn đoán ung thư đường tiêu hoá. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Lần đầu tiên Việt Nam triển khai dụng cụ robot cầm tay thế hệ mới hỗ trợ mổ nội soi điều trị khối u tiêu hoá nhằm đạt độ chính xác cao hơn, hồi phục nhanh hơn.

Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các em học sinh và ông Vũ Hữu Lê đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 và Cuộc thi STKT toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019).

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn Yên Bái và một số sở, ngành có liên quan phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ X (2021 - 2022).

Một vị trí dùng chung hạ tầng của các doanh nghiệp.

Những năm gần đây, hạ tầng viễn thông thụ động của các doanh nghiệp đã được đầu tư, xây dựng cơ bản khá đồng bộ. Riêng trạm thu phát sóng di động (BTS) hiện nay trên cả nước có hàng trăm nghìn trạm BTS phủ khắp cả nước, chủ yếu thuộc sở hữu của năm nhà mạng là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel.

Dùng vôi bột hòa với nước tạt đều xuống ao định kỳ 2 lần/tháng để khử trùng và mầm bệnh trong ao với liều lượng từ 1 - 2kg/100m2. (Ảnh: T.L)

Với trên 32.000 ha mặt nước, Yên Bái có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển mùa, dịch bệnh hay xảy ra trên đàn cá nuôi. Vì vậy, việc phát hiện, chẩn đoán bệnh và chữa trị kịp thời là việc làm quan trọng, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục