Quy trình kiểm tra bằng công nghệ cao đã giúp các nhà khoa học Tây Ban Nha xác định những mảng đá được sơn màu kỳ lạ trong hang Ardales (Malaga, Tây Ban Nha), là tác phẩm của một loài người khác.
|
Một bức tranh đã phục chế từ bảo tàng, được in về từ vách hang La Pasiega (Tây Ban Nha), được cho là cùng thời với số tranh tường vừa được xác định, cũng được vẽ bởi loài người tuyệt chủng Neanderthals - Ảnh: Hugo Obermaier.
|
Theo bài công bố trên PNAS, với màu vẽ chủ yếu là đất son, những "người anh em" đã tuyệt chủng của chúng ta đã tạo nên những bức tranh tường khổng lồ để trang trí vách hang động vốn có màu đá trắng sáng nguyên thủy, giống như cách chúng ta trang hoàn nhà cửa ngày nay.
Ý tưởng chính trong các bức tranh là các loài động vật và cảnh quan họ nhìn thấy ngoài tự nhiên, ví dụ như những chú hươu hiền lành trên thảo nguyên.
Dùng kỹ thuật xác định niên đại uranium – thorium, các nhà khảo cổ đã chứng minh được thời điểm cách bức tranh tường được thực hiện chính xác là 64.800 năm trước. Phát hiện được cho là "gây sốc" bởi các nhà nhân loại học vẫn tin rằng nghệ thuật sơ khai được phát minh ra bởi loài chúng ta – Homo sapiens, tức Người Hiện Đại hay Người Tinh Khôn, và mới chỉ 20.000 năm về trước.
Nhà khảo cổ Prancesco d’Errico từ Đại học Bordeaux (Pháp), một trong các tác giả dẫn đầu nghiên cứu, cho biết các bằng chứng tại hang cho thấy người Neanderthals đã từng chiếm đóng khu vực này trong một thời gian dài, với nhiều nhóm khác nhau đến và đi.
Theo Acient Origins, dù những bức tranh tường này xét về trình độ chắc chắn cách quá xa so với "nghệ thuật" theo cách hiểu của người hiện đại, nhưng là bằng chứng sống động cho thấy người Neanderthals đã phát triển như thế nào vào thời kỳ mà lịch sử ngỡ mọi loài người còn "mông muội", cũng như phản ánh cách họ nhìn thế giới.
Dấu vết tương tự đã được tìm kiếm và xác định ở một số địa điểm sinh sống khác của người Neanderthals.
Phát hiện này làm dấy nên mối nghi ngờ rằng nghệ thuật do chính người Neanderthals phát minh ra, chứ không phải do Homo sapiens chúng ta, và có thể họ đã truyền lại cho tổ tiên chúng ta trong giai đoạn 2 loài gặp gỡ và chung sống. Trước đó, có rất nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy tổ tiên chúng ta và loài người tuyệt chủng này đã chung sống hòa bình khá lâu dài, nảy sinh nhiều cuộc hôn phối dị chủng, còn để lại nguồn gene phong phú trong cộng đồng dân cư châu Âu.
Một số nghiên cứu gần đây cũng làm dấy nên mối nghi ngờ rằng loài người cổ đại Neanderthals đã từng phát triển không kém cạnh loài của chúng ta về mặt văn minh. Thậm chí họ còn có thể biết dệt sợi, làm trang sức và chế tác công cụ lao động "siêu đẳng" hơn các Homo sapiens cùng thời. Rất tiếc họ đã tuyệt chủng khoảng 30.000 năm về trước.
(Theo NLĐO)