3 năm sau là một bước ngoặt của anh Thủy với quyết định nuôi thuê tằm giống cho người khác để học hỏi kinh nghiệm và để chủ động nguồn giống nuôi tằm kén của gia đình. Hàng chục năm với công việc ấy đã mang lại rất nhiều kinh nghiệm quý bởi như anh chia sẻ: "Dù được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn nhưng quan trọng nhất vẫn là thực tế, không gì có thể so sánh được với những bài học từ thực tế”.
Vụ hè thu năm ngoái đánh dấu thêm một bước ngoặt nữa của anh Thủy bằng việc anh không nuôi thuê tằm giống nữa mà tự nuôi, nói như anh là "tự làm tự ăn”.
Chưa hết, vụ xuân hè năm nay, anh đứng ra thu mua kén tằm cho các hộ dân do anh cung ứng tằm giống. Dự liệu trước những khó khăn có thể gặp khi tiến hành chuyển đổi với anh là vấn đề thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, anh cho biết, suốt thời gian dài làm việc nuôi thuê tằm giống mang lại cho anh nhiều mối quan hệ, quen biết khách hàng cần mua tằm giống, cần mua kén tằm cũng như nguồn cung trứng tằm. Đã quyết định mạnh dạn chuyển đổi, anh tập trung đầu tư không nhỏ cả về kinh tế, công sức, thời gian.
Hiện nay, mỗi vụ anh cung cấp tằm giống cho khoảng 40 hộ dân, chủ yếu ở xã Đào Thịnh. Vì nuôi tằm giống nên mọi công đoạn anh đều phải chủ động và sớm hơn so với các hộ nuôi tằm kén từ đốn dâu, chăm sóc, vào giống... Vụ hè thu này, anh đã vào giống ngày 13/8 để đảm bảo cung cấp tằm giống cho các hộ nuôi kén tằm sau 10 ngày nữa.
Áp dụng kỹ thuật mới là nuôi tằm con trên khay nhựa đã giúp anh Thủy tiết kiệm được nhiều hơn thời gian, công sức so với nuôi trên nong như trước đây. Về việc vô trùng, sát khuẩn, khay nhựa đảm bảo tốt nhờ dễ vệ sinh, trên mặt khay được đặt lên 1 tờ giấy trắng và hết lứa tằm giống nào là sẽ bỏ luôn tờ giấy đó.
Do không phải làm giàn và gác đặt nong nên dùng khay nhựa giúp tiết kiệm diện tích nhà nuôi tằm vì các khay chồng lên nhau rất tiện lợi, mỗi chồng có thể kê lên nhau hàng chục khay. Ngoài ra, khay nhựa giảm rất nhiều nguy cơ dịch bệnh cho tằm con do dễ khử khuẩn, dễ vệ sinh sau mỗi lần nuôi.
Việc dùng khay cũng giảm đến 20% công cho tằm ăn bởi di chuyển khay dễ dàng, không tốn công như bưng bê, di chuyển nong. Hơn nữa, độ bền của mỗi khay chắc chắn cao hơn so với sử dụng nong. Ngay cả việc vận chuyển tằm giống cho các hộ nếu có nhu cầu thì khay nhựa cũng vô cùng tiện lợi khi xếp lên ô tô.
Vụ xuân hè năm 2021, có các mối hàng ở tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định và huyện Mộc Châu của tỉnh Sơn La, anh Thủy đã thu gom và tiêu thụ 4 tấn kén tằm. Anh đã thu mua kén trắng trong dân với giá 90.000 - 105.000 đồng/kg, kén vàng giá 70.000 - 75.000 đồng/kg. Vừa cung cấp tằm giống vừa thu mua kén tằm cũng tạo thêm nhiều thuận lợi trong công việc của anh. Cung cấp tằm giống cho dân, anh luôn sẵn sàng "cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi tằm kén cho các hộ dân. Tiền mua tằm giống của các hộ cũng được anh thu sau khi các hộ bán kén cho mình.
Anh Thủy cho biết, nuôi tằm giống hay tằm kén cũng cần có sự đầu tư chăm sóc. Nói về thu nhập, nếu nuôi tằm kén tốt cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm và nuôi tằm giống cho thu nhập cao hơn gấp 1,5 lần so với nuôi tằm kén.
Anh cho biết: "Công việc có vất vả hơn khi quyết định chuyển đổi cách làm, bắt đầu công việc mới nhưng bù lại cũng cho tôi thu nhập khá hơn. Mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, tình hình ổn định để người trồng dâu nuôi tằm có thu nhập tốt hơn!”.
Nguyễn Thơm