Năm 1954, một người dân ở làng Beizhai, huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông đang xây nhà và cần đào một lượng đất khá lớn nên đã đến cái gò đất gần nhà để đào. Đến ngày thứ hai, ông đã phát hiện ra bên dưới gò đất này có một cái hố và dường như nó dẫn đến một ngôi mộ cổ.
Sự việc này nhanh chóng được dân làng lan truyền, có người cho rằng đó là hố sụt, có người bàn tán rằng liệu có một kho báu được chôn giấu trong đó. Ngoài ra, có người cho rằng đây là mộ vị tướng huyền thoại, vì theo truyền thuyết, tại đây từng có một ngôi mộ tướng quân, nhưng không ai biết vị trí cụ thể.
Dân làng đã báo cáo vấn đề với chính quyền, và nhóm khảo cổ đã được cử đến. Khi đoàn khảo cổ đến, mọi người đều sửng sốt, bởi vì dưới cái hố này không chỉ có một ngôi mộ, mà còn rất hoành tráng. Qua quá trình khai quật, toàn bộ lăng được chia thành 3 gian và 5 gian phụ ở phía đông và tây, có tổng diện tích hơn 88 mét vuông.
Toàn bộ ngôi mộ được làm bằng đá, trên những phiến đá còn được chạm khắc hoa văn rất tinh xảo, mô phỏng lại khung cảnh cuộc sống, yến tiệc, chiến tranh... Sau một số phân tích, các chuyên gia cho rằng đây phải là một ngôi mộ Hán có quy mô lớn.
Theo mô tả của chuyên gia, toàn bộ lăng mộ được làm từ 280 khối đá, mối ghép nối rất hoàn hảo, tổng cộng có tám ngôi mộ.
Vào thời nhà Hán, không có công nghệ cao, cả việc khai thác và đánh bóng đá rất khó khăn. Hơn nữa, ngôi mộ hơn hai nghìn năm tuổi này được bảo tồn nguyên vẹn không có một vết nứt.
Sau nhiều cuộc thảo luận, phân tích, ngôi mộ này được mệnh danh là một trong những ngôi mộ đá chạm khắc có quy mô lớn nhất Trung Quốc.
Đi tìm danh tính của chủ nhân ngôi mộ cổ
Vậy rốt cục chủ sở hữu ngôi mộ này là ai? Ban đầu, các chuyên gia không tìm thấy văn bia và đồ tùy táng nào trong ngôi mộ nên cho rằng đây là một ngôi mộ trống hoặc mộ đã bị bọn trộm "ghé thăm”.
Tiếp tục tìm kiếm manh mối, các chuyên gia đã thu được một số thông tin thông qua các chi tiết chạm khắc trên tường mộ. Qua các bức chân dung, người ta phát hiện ra các đường nét chạm khắc được thực hiện vào những năm cuối thời Đông Hán.
Binh khí cũng được chạm khắc lên, điều này cho thấy chủ nhân của ngôi mộ là một vị tướng trùng khớp với truyền thuyết của dân làng. Ngoài ra, trong lăng mộ còn có một số họa tiết rồng, khung chiếc kiệu ngựa kéo và có đoàn người tháp tùng phía sau, nên có chủ nhân là người có thân phận cao quý.
Sau đó, các chuyên gia còn phát hiện ra có hai gian phía sau là mộ của một người đàn ông và một phụ nữ đây cũng là chi tiết khiến các chuyên gia hoài nghi về danh tính chủ mộ.
Bởi thời xưa, quan niệm trọng nam khinh nữ vô cùng nặng nề, lẽ ra nam phải được đặt ở bên phải nữ đặt bên trái, nhưng ở đây vị trí lại bị đảo ngược lại. Rất nhiều các cuộc nghiên cứu được diễn ra tuy nhiên danh tính của chủ mộ vẫn còn là một ẩn số.
(Theo doanhnghiepvn)