Yên Bái là tỉnh miền núi, nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, với gần 80% dân số nông dân tham gia, có 86/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tạo động lực cho khu vực này phát triển.
Thời gian qua, tỉnh từng bước triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, phục vụ cho phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Với vùng nguyên liệu tre măng Bát độ của tỉnh hơn 6.600 ha, trồng tập trung tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, hằng năm đem lại thu nhập cho người dân hàng trăm tỷ đồng từ việc thu hoạch măng và bán sản phẩm tre làm nguyên liệu cho các nhà máy giấy.
Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành - Nguyễn Đức Dũng cho biết: để quản lý tốt vùng nguyên liệu, ngoài việc phối hợp với cán bộ kiểm lâm khu vực thường xuyên đánh giá chất lượng qua hệ thống quản lý rừng từ vệ tinh (trong đó có vùng măng tre Bát độ), cán bộ kỹ thuật của Công ty đã cập nhật đến từng hộ trồng măng, cập nhật chính xác khi vào vụ ứng bao nhiêu phân, bán được bao nhiêu sản phẩm, giá mua bán sản phẩm… bảo đảm khách quan, minh bạch, người dân tự kiểm tra.
Mặt khác, do quy trình xuất khẩu bảo đảm chất lượng nghiêm ngặt sang thị trường Nhật Bản, các lô măng từ khi dời vườn đến khi chế biến và đóng gói xuất khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng đều trên máy tính. Nhờ áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, Công ty hằng năm xuất khẩu được hơn 2.000 tấn sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), doanh thu đạt hơn 70 tỷ đồng.
Đưa công nghệ số vào quản lý chặt chẽ, hiệu quả, được nông dân huyện Yên Bình thực hiện hơn 7 năm qua là Dự án KFW8 hiện đang được nhân rộng ra toàn tỉnh. Từ việc đăng ký tự nguyện của từng hộ dân, khoanh vẽ diện tích phù hợp với tiêu chí dự án là rừng keo tai tượng, mỗi xã tham gia tối thiểu 100 ha, mỗi thôn tối thiểu 30 ha. Phương án sử dụng đất thôn cho từng xã được UBND huyện phê duyệt nhằm chống xen lấn, san bán treo tại hội trường các thôn tham gia ý kiến để bảo đảm tính minh bạch, dễ kiểm tra, giám sát. Đến nay, toàn huyện Yên Bình có 1.675 hộ tham gia với diện tích qui hoạch 1.943 ha.
Với quy trình sáu bước chặt chẽ (lập phương án quy hoạch, đo đạc diện tích dân tham gia, điều tra lập địa, lập hồ sơ thiết kế công trình lâm sinh, tỉa thưa rừng keo, trồng cây bản địa), đến nay, gần 30.000 cây lát hoa tại vườn ươm đủ tiêu chuẩn, chuẩn bị trồng dưới tán 60 ha trong diện tích 300 ha keo tỉa thưa, bảo đảm đáp ứng phủ xanh rừng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Bình - Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá: nhờ áp dụng quản lý số nên công tác điều hành thuận lợi, giảm chi phí đi lại, mọi số liệu từ chủ rừng đến cán bộ quản lý đều nắm rõ, bảo đảm minh bạch. Điều quan trọng nhất là không có tiêu cực, người dân làm đến đâu hưởng đến đó, tiền được chi trả qua ngân hàng qua số tài khoản của chủ rừng đã đăng ký.
Nông dân Nguyễn Văn Tám, thôn Miếu Hạ, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết thêm, gia đình có 4 ha keo tai tượng tham gia dự án, đến nay, đã tỉa thưa và trồng bổ sung cây lát hoa vào diện tích này. Cái lợi là gỗ keo tai tượng lõi đen, làm cột nhà rất tốt, nên thời gian để càng lâu càng có giá trị cao gấp hai lần so với gỗ khai thác sớm.
Tuy nhiên, ông Tám cũng băn khoăn vì cách quản lý số quá chặt chẽ, người dân chỉ được nhận tiền sau ít nhất 1 năm từ lúc mở sổ tài khoản; định mức hỗ trợ dự án còn thấp (9 triệu đồng/ha tỉa thưa, 2,8 triệu đồng/ha trồng cây bản địa); trong khi, nhu cầu tiền cho con ăn học, chi phí sinh hoạt hằng tháng tăng cao, nhất là trong đại dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Điển đánh giá: chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp nông dân không còn cảnh "trông trời, trông đất, trông mây” để sản xuất truyền thống như trước. Yên Bái có vùng quế gần 78.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất hơn 220.000 ha, tre măng Bát độ hơn 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, chè gần 8.000 ha, dâu tằm gần 1.000 ha…
Nếu làm tốt việc chuyển đổi số khép kín quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng thì hiệu quả và giá trị hàng hóa nông lâm sản của người nông dân được nâng cao; là điều kiện tiên quyết để xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo ở vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Hiện, các sản vật của Yên Bái như: miến đao Giới Phiên, cá mương sấy ướp riềng hồ Thác Bà, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, nước rửa chén Trà thảo mộc Quế Phát, cao cà gai leo Viễn Sơn… cùng hàng chục sản phẩm OCOP khác của tỉnh đã lên sàn thương mại điện tử VOSO.VN, là một minh chứng rõ nét của việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp Yên Bái.
Tuy vậy, do một bộ phận dân trí còn thấp, nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất bị hạn chế. Cách tiếp cận mạng xã hội, zalo, Facebook… chưa có kỹ năng nên việc giao dịch, trao đổi, đưa sản phẩm ra thị trường còn khiêm tốn.
Trong quá trình sản xuất, chưa tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt theo khuyến cáo của bạn hàng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, sản xuất bằng mọi giá; do vậy, sản phẩm làm ra bị lỗi, dẫn đến mất niềm tin của đối tác. Thiết bị đầu tư cho công nghệ số ở cơ sở còn lạc hậu so với sự phát triển, việc cập nhật số liệu có thời kỳ bị gián đoạn do thiên tai, bão lũ, làm gẫy đổ, đứt cáp truyền số hóa… nên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Do vậy, tỉnh cần sớm khắc phục các "điểm nghẽn”, ưu tiên những thế mạnh của địa phương, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và ngay cả lĩnh vực điều hành, quản lý cũng cần ứng dụng mạnh chuyển đổi số để các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất được kịp thời hơn. Có như vậy, ngành nông nghiệp Yên Bái không bị chậm nhịp trong việc chuyển đổi số của cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.
Thanh Sơn