Cuối tháng 6/2021, ca phẫu thuật tái tạo dây chằng bằng dây chằng nhân tạo thế hệ mới đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công. Đây là sự lựa chọn của chính bệnh nhân Thanh Phong (quận Tân Bình, TP HCM) - một người mê thể thao, muốn trở lại với bóng đá nhanh chóng. Anh Thanh Phong không muốn lấy gân tự thân, mà muốn được thay dây chằng nhân tạo như ở nước ngoài.
BVĐK Tâm Anh đã đặt hàng và cùng anh chờ đợi dây chằng đầu tiên gửi về đến Việt Nam. Ca mổ diễn ra nhanh chóng trong một giờ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể đứng lên đi lại nhẹ nhàng. ThS.BS Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP HCM khẳng định, anh Thanh Phong có thể đi nhanh sau 2 tuần và sau 2 tháng có thể chạy nhanh như bình thường.
Theo dõi, lượng giá sức mạnh gân cơ trước và sau phẫu thuật, ThS.BS Trần Anh Vũ nói thêm: "Trong cuộc mổ, chúng tôi đảm bảo bảo tồn tất cả các gân cơ để giúp khôi phục khả năng vận động tốt nhất cho người bệnh. Dây chằng nhân tạo thế hệ mới khắc phục hoàn toàn nhược điểm trước đây, giúp người bệnh không bắt buộc phải dùng mảnh ghép tự thân trong phẫu thuật cổ điển, rút ngắn thời gian phục hồi. Điều này rất có ý nghĩa đối với vận động viên và những người cần cử động sớm, tránh teo cơ sau mổ".
Tại Việt Nam, người bị đứt dây chằng chỉ có hai lựa chọn để phẫu thuật tái tạo, là dùng mảnh ghép tự thân hoặc đồng loại. Đa số bác sĩ chọn mảnh ghép tự thân như gân bánh chè, gân mác dài, gân hamstring hay gân tứ đầu đùi...
"Gân tự thân này được lấy từ chính phần cơ thể khỏe mạnh, khiến cho người bệnh chịu tổn thương 2 lần. Phần cho dây chằng cũng bị yếu đi, mà phần nhận là một khớp vị trí khác lại không khôi phục hoàn toàn khả năng vận động. Cơ thể mất khá nhiều thời gian để hồi phục các gân cho và nhận, song vẫn tồn tại nguy cơ hạn chế tầm vận động, teo cơ, lệch cơ hai đùi...", ThS.BS Trần Anh Vũ đánh giá.
Đối với vận động viên chuyên nghiệp, việc phẫu thuật dùng mảnh ghép tự thân mất rất nhiều thời gian để phục hồi lại phong độ ban đầu. Rất nhiều người đã chọn lựa phẫu thuật dây chằng tại nước ngoài chỉ với một mục tiêu, giữ được sự linh hoạt của khớp và sớm trở lại phong độ đỉnh cao.
Áp dụng những kỹ thuật và nghiên cứu tiên tiến từ bệnh viện y học thể thao lớn trên thế giới, các chuyên gia Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, đã làm chủ được phương pháp tái tạo dây chằng bằng dây chằng nhân tạo thế hệ thứ 3. Ở thế hệ dây chằng mới nhất, sự thay đổi kết cấu chính là bước tiến vượt bậc. Dây chằng nhân tạo được làm từ chuỗi sợi polyethylene terephthalate đơn. Có khoảng 3.000 sợi nằm trong khớp, vừa tạo độ linh hoạt, mềm dẻo nhưng vẫn đảm bảo độ bền từ 2.500 đến 4.000 newton.
Hiện nay, các bệnh viện thể thao tại châu Âu đều sử dụng phổ biến phương pháp này thay vì lấy dây chằng tự thân trong cơ thể người bệnh hoặc tìm kiếm gân đồng loại từ nguồn cho khá khó khăn. Dây chằng nhân tạo có nhiều kích cỡ tính theo đường kính 6-11 mm nhưng phù hợp nhất với thể trạng của người Việt là 7-9 mm.
Bệnh nhân Quang Anh thay dây chằng nhân tạo đầu tiên tại Hà Nội.
Ngày 13/11/2021, sau một thời gian chờ đợi vì giãn cách xã hội, ca thay dây chằng nhân tạo đầu tiên tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội cũng đã được phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Quang Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Anh cũng đã chờ đợi gần một năm để có thể yên tâm điều trị chấn thương dây chằng chéo trước, mong sớm quay trở lại với sinh hoạt hàng ngày và đam mê vận động.
Sau 4 tháng, dây chằng nhân tạo về đến Việt Nam, Bệnh viện Tâm Anh đã điều trị cho các trường hợp đứt dây chằng chéo đầu gối, có bệnh nhân đứt cả dây chằng trước và sau hoặc đứt cả hai gối... Sau phẫu thuật, bệnh nhân đều bình phục nhanh chóng.
Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, bảo tồn và tái tạo dây chằng là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất, do tình trạng chấn thương trong sinh hoạt, lao động và thể thao. Đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng thành công trước đây tại BVĐK Tâm Anh như: nối dây chằng cho bệnh nhân đứt dưới 3 tuần, tái tạo dây chằng bằng all-inside có robot dẫn đường...
(Theo VnExpress)