Một nghiên cứu được thực hiện với các phi hành gia từng làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cho thấy các phi hành gia ở trong vũ trụ khoảng 6 tháng có mức loãng xương gần bằng một người lớn tuổi ở Trái Đất bị bệnh này trong 20 năm.
Nghiên cứu thu thập dữ liệu về tình trạng loãng xương ở 17 phi hành gia do điều kiện không trọng lực trong không gian gây ra, cũng như khả năng lấy lại mật độ khoáng của xương sau khi họ trở về Trái Đất.
Các phi hành gia này gồm 14 nam và 3 nữ, với độ tuổi trung bình 47 và từng tham gia các chuyến du hành vũ trụ kéo dài từ 4 đến 7 tháng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 1 năm sau khi trở về Trái Đất, các phi hành gia có biểu hiện giảm trung bình 2,1% mật độ khoáng ở xương chày - một xương ở cẳng chân - và độ chắc của xương giảm 1,3%.
Trong số này, 9 phi hành gia không thể phục hồi mật độ khoáng của xương sau chuyến bay vũ trụ, tức là bị loãng xương vĩnh viễn.
Giáo sư Leigh Gabel thuộc Đại học Calgary (Canada), tác giả chính của nghiên cứu trên, nêu rõ: "Chúng tôi đã biết rằng các phi hành gia bị loãng xương khi du hành vũ trụ trong thời gian dài. Điểm mới trong nghiên cứu này là chúng tôi theo dõi các phi hành gia trong 1 năm sau chuyến du hành để xác định xương của họ có phục hồi hay không."
Theo Giáo sư Gabel, các phi hành gia bị loãng xương đáng kể trong khoảng 6 tháng bay trong vũ trụ. Mức độ loãng xương này tương đương với một người lớn tuổi ở Trái Đất bị loãng xương trong 20 năm. Các phi hành gia chỉ phục hồi được khoảng một nửa mật độ xương sau 1 năm trở lại Trái Đất.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng loãng xương trong không gian là do xương không phải nâng đỡ cơ thể vì môi trường không trọng lực, khác với khi ở Trái Đất.
Nghiên cứu trên cho thấy các cơ quan vũ trụ cần cải thiện biện pháp khắc phục vấn đề trên, như chú trọng chế độ tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng cho phi hành gia.
Giáo sư Gabel nói: "Trong các chuyến du hành vũ trụ, kết cấu xương của phi hành gia trở nên yếu đi, thậm chí một số dẻ xương không liền được với nhau. Khi các phi hành gia trở về Trái Đất, các kết nối xương còn lại có thể được tăng cường, song những kết nối đã bị đứt gãy khi ở trong không gian không thể liền lại được. Do vậy, nhìn chung kết cấu xương của các phi hành gia có sự thay đổi vĩnh viễn."
Nhóm nghiên cứu không tiết lộ quốc tịch các phi hành gia tham gia nghiên cứu, nhưng cho biết họ đến từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ Canada, Cơ quan Không gian châu Âu và Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Scientific Reports số ra tuần trước, đã cung cấp sự hiểu biết đầy đủ hơn về tác động của các chuyến du hành vũ trụ đối với cơ thể con người cũng như những biện pháp cần áp dụng để giảm thiểu tác động này bởi đây là những kiến thức rất quan trọng đối với những sứ mệnh khám phá vũ trụ đầy tham vọng trong tương lai.
(Theo Vietnam+)