Là xã trọng điểm phát triển cây bưởi, xã Đại Minh, huyện Yên Bình có hơn 400 ha bưởi. Tháng 12/2016, bưởi Đại Minh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là bước tiến mới và là điều kiện tốt để cây bưởi Đại Minh phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây việc sản xuất bưởi Đại Minh ở Yên Bái vẫn còn chưa đồng bộ, dẫn đến chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã quả xấu và xuất hiện các hiệu tượng như khô tép... Trước trăn trở với loại cây đặc sản, huyện Yên Bình đã phối hợp với ngành khoa học triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học để cây bưởi phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao hơn.
Gia đình ông Nguyễn Mạnh Ân ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh có gần 500 gốc bưởi. Từ năm 2021, ông Ân tham gia vào đề tài khoa học áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới. Nhờ được học cách tỉa tán, đốn cành, cách chăm bón và sử dụng hợp lý nguồn phân bón, đặc biệt là phân bón hữu cơ vi sinh nên chất lượng bưởi được nâng lên, hạn chế được bệnh khô tép và cải thiện được mẫu mã quả.
Ông Ân cho biết: "Tham gia dự án khoa học của tỉnh về nâng cao chất lượng quả bưởi Đại Minh, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc bưởi, được hướng dẫn bón phân và sử dụng phân bón đúng kỹ thuật để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng bưởi Đại Minh tăng lên rõ rệt: hiện tượng khô quả giảm, quả mọng, nhiều thịt, dễ tiêu thụ hơn”.
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: Được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, nhiều năm trở lại đây, người trồng bưởi Đại Minh đã biết áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo giúp tăng tỷ lệ đậu quả và nâng cao chất lượng bưởi. Năm 2016, bưởi Đại Minh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm bưởi Đại Minh.
"Người trồng bưởi Đại Minh giờ có thêm nhiều hiểu biết về phân bón càng thêm cơ hội nâng cao chất lượng bưởi. Hiện nay, bình quân mỗi héc ta bưởi đặc sản Đại Minh cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. Chúng tôi, tiếp tục vận động người dân áp dụng những kiến thức kỹ thuật, quy trình bón phân đã được nghiên cứu vào chăm sóc cây bưởi để phát huy thế mạnh của cây bưởi đặc sản địa phương, tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng bưởi”.
Yên Bình là huyện thứ hai hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là huyện nông thôn mới (NTM) của tỉnh Yên Bái, về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Tuấn Hưng cho biết: Xây dựng thành công huyện NTM có đóng góp quan trọng từ việc áp dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Huyện cũng xác định triển khai các dự án, đề tài, khoa học là một trong những hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa tác động sâu sắc đến đời sống, lao động và sản xuất, góp phần thay đổi nhận thức trong canh tác và sản xuất của người nông dân; ứng dụng các thành tựu của KHKT vào sản xuất đã giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.
Theo đó các đề tài tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng chuyển giao những cây con mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, đẩy mạnh canh tác hữu cơ, đưa máy móc vào thay thế sức lao động… đã giúp người nông dân thay đổi tư duy theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, sản lượng và mở rộng thành vùng sản xuất lớn.
Ông Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết: Từ năm 2021 đến nay, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai 75 nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tổng kinh phí sự nghiệp khoa học trên 57 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dành cho triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên 43 tỷ đồng với 39 nhiệm vụ, chiếm 75% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học.
Song song với các nhiệm vụ cấp tỉnh, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn miền núi cũng như nhiệm vụ cấp thiết địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang triển khai 3 nhiệm vụ là "Ứng dụng KHCN trong nhân giống và trồng thâm canh thông Caribe (Pinus caribaca Morelet) cung cấp gỗ lớn tại Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”; "Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất viên nén sinh học từ phụ phẩm sau chế biến gỗ làm nhiên liệu đốt cho dân dụng, công nghiệp và phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Yên Bái”; "Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất gỗ ghép khối từ ván bóc gỗ rừng trồng làm vật liệu nội thất tại tỉnh Yên Bái” với tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 10.360 triệu đồng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải các bon phục vụ phát triển xanh.
"Việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHCN đã hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, phát triển, bảo tồn một số giống đặc sản của địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững và đồng hành cùng với các địa phương trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM”, ông Hợi chia sẻ.
Mạnh Cường