Bkis cảnh báo toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Hiện tượng phần mềm diệt virus làm hỏng Windows
- Cập nhật: Thứ bảy, 7/3/2009 | 12:00:00 AM
Chiều 5/3/2009, tại hội nghị Phòng chống virus do Hiệp hội Cứu hộ các sự cố máy tính Châu Á – Thái Bình Dương APCERT (Asia Pacific Computer Emergency Response Teams) tổ chức tại Đài Loan, các chuyên gia đến từ Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng phần mềm diệt virus làm hỏng Windows.
Chuyên gia Đỗ Mạnh Dũng thuyết trình tại Hội nghị.
|
Trong phần thuyết trình của mình, chuyên gia phân tích virus Đỗ Mạnh Dũng đến từ Bkis đã chỉ ra: trong nhiều tình huống, khi diệt các virus thuộc dòng virus “ghi đè file chuẩn”, các phần mềm diệt virus phổ biến trên toàn cầu hiện nay không thể khôi phục được hệ thống và dẫn đến làm hỏng hệ điều hành.
Các chuyên gia của Bkis đã chứng minh nhận định này bằng các thử nghiệm thực tế với 4 phần mềm diệt virus khác nhau, đồng thời cũng trình diễn công nghệ của Bkis có thể diệt các dòng virus này mà không làm hỏng Windows, hệ thống được khôi phục như trước khi bị nhiễm virus.
Ông Adli Adb Wahid, đại diện của Tổ chức cứu hộ máy tính Malaysia (MyCERT), bày tỏ: “Tôi thực sự ngạc nhiên vì hiện tượng này. Nhưng những thực nghiệm đã cho thấy đúng là một số phần mềm diệt virus đã gây hỏng hệ điều hành Windows”.
Ông Jinhyun Cho, chuyên gia của Tổ chức cứu hộ sự cố máy tính Hàn Quốc KrCERT/CC, khẳng định: "Nhiều người sử dụng ở Hàn Quốc cũng đã gặp phải sự cố phần mềm diệt virus làm hỏng Windows. Chúng tôi sẽ cảnh báo vấn đề này tới người sử dụng tại nước mình".
Còn ông Kitisak Jirawannakool, chuyên gia hệ thống của Tố chức ThaiCERT – Thái Lan, cho biết: “Nếu virus nhiễm vào các file quan trọng, hệ điều hành có thể bị hỏng khi các chương trình diệt virus xoá các file đó đi. Tôi cho rằng, việc này cần phải được cảnh báo rộng rãi cho tất cả mọi người”.
“Khi chúng tôi đưa ra cảnh báo trong nước vào tháng 12 năm ngoái, có khoảng 47.000 máy tính ở Việt Nam gặp phải rắc rối này. Nhưng đến thời điểm hiện tại con số đã lên tới 121.000 máy tính, mức độ thiệt hại cho người sử dụng là rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc cảnh báo rộng rãi cho tất cả người sử dụng là cần thiết ”, ông Đỗ Mạnh Dũng khẳng định.
Chuyên gia của Việt Nam cũng nhận định virus “ghi đè file chuẩn” là xu hướng phổ biến của virus trên toàn cầu trong năm 2009. Do đó sẽ có rất nhiều người sử dụng gặp nguy hiểm bởi các dòng virus này. “Bkis sẽ luôn sẵn sàng để trợ giúp các quốc gia trong khu vực đưa ra các cảnh báo và hỗ trợ cộng đồng khi họ gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến virus”, ông Dũng nói tại Hội nghị.
Hội nghị Phòng chống virus khu vực Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra trong 3 ngày (từ mùng 3 đến mùng 5 tháng 3/2009) với sự tham gia của các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore… và đại diện của các hãng công nghệ như: Microsoft, IBM, HP…
(Theo HNMĐT)
Các tin khác
Liên minh phần mềm Doanh nghiệp (BSA) vừa công bố Chỉ số Cạnh tranh Công nghệ Thông tin Toàn cầu, theo đó năm 2008 Việt Nam vẫn giữ vị trí 61/66 trong bảng xếp hạng.
Viện nghiên cứu công nghệ viễn thông Fraunhofer (Đức) tuyên bố trong tháng tới sẽ chính thức đưa ra giới thiệu trước công chúng chiếc TV màn hình 3 chiều (3D) điều khiển hoàn toàn bằng chuyển động.
Việc ngày càng tin tưởng vào nền tảng Windows để chạy các ứng dụng quan trọng càng làm nổi bật tầm quan trọng của bảo mật, quản lý và đảm bảo tính sẵn sàng của nó. Và sau cùng là, do phải đáp ứng các mục tiêu kinh doanh nên không thể để xảy ra tình trạng hệ thống đình trệ. May mắn là có một số các công cụ và dịch vụ (đã được kiểm chứng) có thể giúp các doanh nghiệp tăng cường và đảm bảo sự đầu tư của họ vào môi trường Windows, thậm chí ngay cả khi họ nâng cấp lên Windows Server 2008.
Hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới Nokia thông báo, hãng đang lên kế hoạch tích hợp phần mềm VoIP Skype vào dòng điện thoại N-series, bắt đầu là điện thoại Nokia N97.