Đi bộ trong khuôn viên Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong chiếc sơ mi trắng, chân váy đen cùng đôi giày thể thao, dáng người lại nhỏ bé, không sinh viên nào nhận ra Tạ Thị Trang, 22 tuổi, là giảng viên của trường. Bốn tháng trước, Trang còn là sinh viên năm cuối, giờ đứng trên bục giảng dạy cả những sinh viên lớn tuổi hơn mình.
"Trở thành giảng viên là ước mơ từ nhỏ của em khi thấy anh trai, chị gái đều rất hạnh phúc với công việc này. Giờ được khoa nhận, em rất mừng. Đặc biệt hơn là được trở thành đồng nghiệp với anh trai", Trang chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình có ba anh em, Trang kém anh cả tới 15 tuổi, kém chị gái 13 tuổi. Khi Trang bắt đầu học phổ thông, anh chị đã ra Hà Nội học đại học. Chị học Văn, anh học Toán nên Trang sớm được tiếp xúc với nhiều sách ở hai môn này và chọn theo Toán.
Trang nhớ lại khi học lớp 3, mỗi lần từ Hà Nội về chơi, anh trai lại mua cho sách Toán mới rồi ngồi đố những câu hỏi vui. Đưa ra đáp án, anh lại giảng cho Trang cách làm, nói những câu đố đó tương tự giải quyết vấn đề gì trong cuộc sống. Thấy tính ứng dụng cao, Trang dần thích môn học này, thích cảm giác đợi ngày anh về để có thêm sách Toán và giải những câu đố.
Lên THCS, Trang học Toán nhiều hơn và đỗ vào trường THPT Chuyên Lam Sơn. Nhưng những năm sau đó, việc học rất bình thường. Trang không vào đội tuyển, không được thi học sinh giỏi, chẳng ai biết Trang đam mê Toán thực sự hay không. Chính Trang cũng thừa nhận đã không tập trung học hành suốt ba năm cấp ba, kết quả là chỉ đủ điểm đỗ vào ngành Toán học của Đại học Khoa học Tự nhiên mà không trúng tuyển vào lớp tài năng.
"Lúc đó, em thấy có lỗi với anh trai - người đã truyền cảm hứng và giúp em đến với Toán. Em tự nhủ phải cố gắng hết sức trong bốn năm đại học nếu không muốn ước mơ giảng viên tan vỡ", Trang nhớ lại.
Cô gái Thanh Hóa tập trung hơn, đặc biệt ở các môn chuyên ngành. Với môn có thể vượt trình (nộp chứng chỉ theo chuẩn đầu ra để không phải học ở trường) như tiếng Anh, Trang ôn một thời gian rồi thi luôn.
Kỳ hai năm ba đại học (năm 2018), Trang được Viện nghiên cứu cao cấp về Toán chọn là một trong ba sinh viên Việt Nam cùng một giảng viên sang Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để dự hội nghị về thống kê. Do đây là hội nghị chuyên ngành mà Trang mới đang học môn này, nhiều nội dung em không hiểu. Điều này khiến Trang quyết tâm nâng cao chuyên môn hơn.
Về nước, Trang vừa học, vừa nghiên cứu. Với tiếng Anh, thay vì học để lấy chứng chỉ quốc tế, Trang dành thời gian đọc nhiều báo cáo, tài liệu Toán học hơn để học từ chuyên ngành, đồng thời luyện nghe tiếng Anh hàng ngày qua Internet để giao tiếp tốt hơn nhằm nộp hồ sơ tham gia các chương trình ở nước ngoài.
Một năm sau, Trang trúng tuyển chương trình trao đổi sinh viên và có ba tháng học tập, nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore. Đây là giai đoạn khó khăn với 9X này bởi vừa phải hoàn thành khóa luận tốt nghiệp với đề tài "Định lý Bohl Perron cho phương trình sai phân ngẫu nhiên", vừa phải làm một hướng nghiên cứu mới được NTU giao.
"Trong cùng một thời gian phải nghiên cứu hai hướng khiến em không thể tập trung 100%. Đến đầu tháng 5, khi bảo vệ khóa luận, kết quả chưa khiến em hài lòng, nhưng đổi lại em học hỏi được nhiều từ chương trình trao đổi", Trang nói.
Thầy Trần Mạnh Cường, Trưởng khoa Toán - Cơ - Tin học, cho biết khi vào trường, thành tích của Trang không nổi bật, nhưng bù lại em rất kiên trì và có đam mê. Đây là hai yếu tố quan trọng nhất đối với người làm Toán.
Trang đã dần khẳng định mình qua từng học kỳ và kết thúc khóa học với 3.75/4, trở thành một trong bốn sinh viên có điểm đầu ra cao nhất trường, được Hà Nội vinh danh là thủ khoa xuất sắc. "Đã rất lâu ở khoa mới có một bạn nữ tốt nghiệp ngành Toán học loại xuất sắc", thầy Cường nói.
Sau khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, Trang lại sang Singapore nhờ trúng tuyển tham dự dự án nghiên cứu Toán học trong công nghiệp. Chỉ 16 bạn đến từ Mỹ và các nước ASEAN được lựa chọn, chia làm 4 nhóm. Tại đây, Trang có hai tháng làm việc cho một nghiên cứu về việc lựa chọn và xử lý ảnh cho kho ảnh thương mại của Google.
Trang chia sẻ đã rất lo lắng khi mới nhận dự án này vì chưa biết đề tài sẽ nghiên cứu là gì. Khi được tham gia đề tài của Google, em càng áp lực hơn vì bản thân học Toán lý thuyết mà những gì phải làm lại liên quan nhiều đến Toán máy tính.
Hai tuần đầu, Trang bị áp lực, liên tục phải nhờ người hướng dẫn giảng giải nhiều vấn đề. Ngoài việc phải đảm báo tiến độ công việc của cả nhóm, Trang phải tìm đọc nhiều tài liệu về Toán máy tính và ngành công nghiệp ảnh - những lĩnh vực rất mới với Trang.
Áp lực đè nặng đến nỗi Trang không dám đặt vé về Việt Nam dự lễ bế giảng và nhận bằng tốt nghiệp - giây phút cô gái xứ Thanh mong mỏi nhất đời sinh viên. Dần dần, với sự động viên của mọi người, Trang cũng bắt nhịp được và hoàn thành công việc của nhóm. Kết thúc 8 tuần tham gia dự án, Trang được trả 3.000 USD cùng nhiều lời khen ngợi.
Trước khi nhận công tác giảng dạy ở Đại học Khoa học Tự nhiên, Trang đã kịp sang Hong Kong tham dự chương trình trại hè kéo dài một tuần ở trường City University of Hong Kong (CityU). Lên đường với tâm thế chơi là chính, nhưng Trang được các giáo sư ở trường chú ý. Sau bài giới thiệu bản thân, hướng nghiên cứu, Trang được gọi phỏng vấn. Sau đó, phía CityU gửi mail thông báo có ba thầy muốn nhận em làm nghiên cứu sinh, thậm chí còn kèm thông báo tài trợ một chuyến sang Hong Kong vào tháng 11 để đưa ra quyết định.
"Em rất biết ơn vì điều đó, nhưng rồi từ chối bởi đã có dự định riêng và muốn đi đến cùng dự định đó", Trang nói và cho biết đã thi đỗ để học thạc sĩ tại Đại học Khoa học Tự nhiên. Hiện em vừa học thạc sĩ, vừa học để lấy chứng chỉ IELTS nhằm nộp hồ sơ bậc tiến sĩ ở nước ngoài, đồng thời đảm nhận việc giảng dạy Thống kê và Đại số tuyến tính của ba lớp thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thầy Trần Mạnh Cường khẳng định để được nhận ở lại làm việc tại trường, ngoài tấm bằng loại xuất sắc, Trang đã phải trải qua những vòng xét tuyển khắt khe của bộ môn, khoa và trường. Hội đồng tuyển dụng các cấp không chỉ đánh giá về năng lực học tập, kiến thức sẵn có mà còn cả về phương pháp giảng dạy, đam mê nghề nghiệp và đặc biệt là tiềm năng nghiên cứu Toán học bởi giảng dạy và nghiên cứu là hai nhiệm vụ quan trọng nhất của giảng viên.
"Mục tiêu của Trang là nhận được học bổng nghiên cứu sinh ở Mỹ và sau khi tốt nghiệp sẽ trở về công tác lâu dài ở khoa. Tôi cho rằng Trang sẽ sớm đạt được mục tiêu này", thầy Cường nói.
(Theo VnExpress)