Phương pháp giáo dục chú trọng tính thực tiễn của New Zealand đã tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm thực tế ngay từ bậc trung học và trang bị những kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Không phải làm bài luận, thi giữa kỳ hay cuối kỳ, môn học Production and Marketing của trường trung học Mount Albert Grammar tại New Zealand lại yêu cầu học sinh phải tham gia cuộc thi về dự án kinh doanh để lấy điểm.
Với dự án này, các học sinh học trung học khu vực Auckland sẽ lập nhóm gồm 5 thành viên, lên ý tưởng kinh doanh cho một sản phẩm, nộp kế hoạch kinh doanh cho ban tổ chức và triển khai dự án trong suốt một năm học.
Nổi bật trong đó là nhóm của nam sinh người Việt Nguyễn Thế Mạnh (học sinh lớp 13, trường Mount Albert Grammar - hệ phổ thông tại New Zealand là 13 năm - PV) đã xuất sắc đoạt giải Tài năng Doanh nghiệp trẻ toàn khu vực Auckland 2019. Gây ấn tượng ngay từ sản phẩm kết hợp từ trà Thái Nguyên của Việt Nam và lá thảo dược Manuka nổi tiếng của New Zeland.
Thế Mạnh cho biết: "Nhóm em gồm 1 bạn Việt Nam và 4 bạn người Maori – người bản địa tại New Zealand. Chính vì thế, cả nhóm quyết định làm một loại trà kết hợp nét văn hóa của Việt Nam lẫn người Maori.
Trà là sản phẩm tốt cho sức khỏe, đồng thời khi thải ra cũng không gây ô nhiễm môi trường - một tiêu chí mà cả nhóm hướng đến trong quá trình thực hiện dự án”.
Dịp này, các bạn trẻ được trở thành người quản lý tài chính, quản lý sản phẩm, nhân viên marketing và cả CEO. Là thành viên chịu trách nhiệm marketing và quản lý việc nhập khẩu trà sang New Zealand, Thế Mạnh đã chủ động bán thử sản phẩm đến đối tượng mục tiêu là các cô chú 40-50 tuổi người Trung Quốc và Anh ở khu dân cư, khảo sát ý kiến và điều chỉnh công thức để có sản phẩm hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng hỗ trợ kinh phí cho các đội bằng Quỹ Tài trợ cho Doanh nghiệp trẻ và quầy hàng ở các trường trong khu vực Auckland. Nhờ đó mà món trà của nhóm Thế Mạnh có cơ hội được bày bán ở nhiều cửa hàng, siêu thị.
Theo Mạnh, học sinh sẽ học được kinh nghiệm từ việc viết một bản kế hoạch bài bản, cách phân chia công việc, làm việc nhóm cho đến quản lý rủi ro, tìm hiểu thị trường và thiết lập chiến lược kinh doanh: "Tất nhiên là vì chưa có kinh nghiệm, nhóm phải đối mặt không ít những khó khăn. Tuy nhiên, điều đó mang lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời mà bạn chỉ có được khi tham gia dự án”.
Môi trường học ở New Zealand khuyến khích người trẻ trau dồi nhiều trải nghiệm.
"Không những thế, giải thưởng này đã củng cố thêm sự tự tin của mình về kinh doanh, vốn là niềm yêu thích của em từ nhỏ", Thế Mạnh chia sẻ về giá trị lớn nhất mà em nhận được.
Bên cạnh điểm số cao cho môn học, Thế Mạnh còn tìm ra hướng đi cho bản thân khi vào đại học: "Em nghĩ điều quan trọng mà giáo dục New Zealand hướng đến không nằm ở việc thuyết phục các bạn tiếp tục học ở đây, mà là môi trường để mỗi người tự khám phá bản thân và tự tin chọn được con đường phù hợp nhất với mình”.
Không chỉ riêng môn học này của trường Mount Albert Grammar, mà hầu hết các môn học của các trường phổ thông ở New Zealand đều có cách truyền tải độc đáo, áp dụng thực tiễn vào lý thuyết.
Phong cách học tập lấy tôn chỉ về phát huy tính sáng tạo và đề cao thực hành của xứ Kiwi không chỉ giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất các kỹ năng cần thiết trong tương lai mà còn phát triển tinh thần ham học hỏi, khám phá và trải nghiệm.
New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu thế giới về chỉ số chuẩn bị kỹ năng tương lai trong 2 năm liền 2017, 2018.
(Theo Dân Trí)