Ký ức tháng Năm

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/5/2020 | 8:23:21 AM

YênBái - Tôi rất tiếc những buổi sáng tháng Năm mát lành nên không dám ngủ quên trong giấc mộng. Tập cho mình thói quen dậy sớm, khe khẽ lắng nghe những âm thanh trong trẻo vọng từ đời sống vào tim.

Một tiếng gà gáy cất lên giữa phố tựa như tiếng chuông ngân líu ríu cả lối về. Không có gì dễ chạm đến trái tim thôn dã của tôi bằng tiếng gà đơn lẻ. Đánh thức kho ký ức đầy ăm ắp trong tôi về quê hương xứ sở. 

Miền trung du bình yên ấy đã sinh ra và nuôi tôi lớn bằng những vụ mùa thơm ngan ngát. Ai có dịp đi qua cánh đồng quê tôi mùa này sẽ ngửi thấy hương thơm dìu dịu của lúa non. Thứ mùi hương làm lòng người lành lại, mềm êm và hồn hậu. 

Để những lúc mỏi mệt nhất nơi phố xá xa xôi thì chỉ cần tựa đầu vào gối chăn mơ về ký ức. Từng đàn chim chiền chiện chấp chới bay lượn giữa cánh đồng làng. Ngày nào, mẹ cũng đi thăm đồng, nhấm hạt lúa xem đã chín hẳn chưa rồi nhìn chuồn chuồn bay thấp hay cao để thu hoạch vụ mùa.

Tôi luôn có cảm tưởng bầu trời sẽ trở nên trong xanh nhất vào những buổi chiều tháng Năm. Thấy mình nhỏ bé nhỏ hơn giữa những đám mây màu trắng xốp. Gió lúc này lồng lộng mát mẻ. Gió làm hồi sinh sức người sau một ngày cực nhọc. Tựa như nếu không có những buổi chiều đẹp đến thế người ta sẽ kiệt sức. Những cánh cửa được mở rộng hết cỡ hút gió vào nhà. Ngực đàn ông cũng phanh ra đón gió. 

Những người phụ nữ tảo tần tranh thủ ngồi nghỉ ngơi trò chuyện. Lũ trẻ bị nhốt trong nhà cả ngày giờ được chạy nhảy khắp nơi tìm cái chơi, kiếm đồ ăn vặt. Thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng chúng cười giòn tan ở góc vườn, đầu ngõ. 

Thoắt ẩn, thoắt hiện như cơn gió vang lên rồi tan vào lòng người mát lịm. Người vào bếp thổi cơm, người xuống ao vớt bèo, người vắt vẻo trên cây xoài nhẹ nhàng hái từng quả chín. Tất cả đều gần gũi và chân thực đến mức tôi quên mất đó chỉ là phần ký ức tháng Năm đang thức dậy trong mình…

Vũ Thị Huyền Trang

Các tin khác
Mô hình Tổ hợp tác Phát triển kinh tế du lịch cộng đồng thôn Ngòi Tu, do Lý Thị Sam Sung thành lập đã thu hút nhiều du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm.

“Không có con đường nào dẫn đến thành công mà bằng phẳng”. Từ suy nghĩ đó, đoàn viên Vũ Mạnh Thắng và Lý Thị Sam Sung ở huyện Yên Bình đã dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để tìm cho mình hướng phát triển kinh tế từ chính nơi làng quê đang sống.

Sinh viên Dương Thế Long (trái) và Lưu Văn Thạo (phải) cùng hai phiên bản của máy rửa tay tự động.

Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo máy rửa tay có thể tự động phun dịch sát khuẩn dưới dạng sương mù nhờ cảm biến siêu âm.

“Nhà hảo tâm” đặc biệt này là cháu Nguyễn Bình Minh, 8 tuổi, đang học lớp 2D, Trường tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Từ chối vị trí giám đốc đại diện của một công ty dược, Phượng chọn quay về chính nơi mình sinh ra để làm cô giáo với mong muốn “trả món nợ ân tình mà nhà nước và quê hương đã nuôi mình trong suốt quãng thời gian đi học”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục