Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1994, tỉnh Đắk Lắk), hiện tại đang sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật dầu khí của trường Đại học Bách Khoa, nhưng Ngọc lại có đam mê với công nghệ thông tin ngay khi còn đang ngồi ghế nhà trường.
Bằng sự cố gắng và chỉ dẫn của thầy cô, chàng sinh viên đã được chấp thuận tham gia hội nghị khoa học dành cho các trường Đại học ở Đông Nam Á lần thứ XI.
Hiện tại, Ngọc đang là trưởng nhóm kỹ thuật về Robotics và AI (trí tuệ nhân tạo) của công ty AIOZ. Vào tháng 4/2020, anh cùng đồng đội của mình đã giành 1 giải nhất và 1 giải nhì trong cuộc thi "Hack Covy” - là cuộc thi Hackathon online đầu tiên với mục tiêu tạo ra các giải pháp công nghệ để ứng phó với các vấn đề do COVID-19 gây ra tại Việt Nam do Chương Trình Phát Triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - UNDP phối hợp cùng Thành Đoàn Hà Nội và AngelHack tổ chức.
Đặc biệt, anh cùng với một cộng sự (Nghiên cứu sinh Hậu Tiến sĩ của Đại Học Hoàng Gia Anh) đã nộp công trình nghiên cứu khoa học về xe tự lái vào hội nghị IROS 2020 được tổ chức tại Las Vegas - Mỹ và cũng đã được các nhà khoa học đánh giá, chấp thuận (IROS là hội nghị hạng A/A1 và cũng là hội nghị khoa học số một thế giới về Robotics sẽ diễn ra vào tháng 9 tới).
Ngọc còn chia sẻ thêm: "Tại sự kiện lớn này, nhóm sẽ có cơ hội được đứng trước hàng nghìn các nhà khoa học giỏi trên thế giới và thuyết trình về hướng tiếp cận của nhóm cho bài toán xe tự lái”.
Thực ra, dù đam mê công nghệ thông tin nhưng trước đây, khó khăn lớn đối với anh đó là chưa có nền tảng kiến thức về lập trình. "Ban đầu, mình vấp phải sự phản đối, nghi ngờ từ phía gia đình, bạn bè về việc chuyển hướng trong sự nghiệp, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp đại học mình đã dành khoảng 4 tháng để bắt đầu tự học lập trình tại nhà. Chính vì bản thân luôn tự ti vì sự thua thiệt với những người trong ngành nên mình luôn phấn đấu để không thua các bạn ấy quá xa”, chàng trai 9x tâm sự.
Một trong các dự án của công ty AIOZ ứng dụng vào đợt dịch COVID-19 hiện nay là Robot Beetlebot với những tính năng ưu việt "Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus cho các y, bác sĩ” do Ngọc làm trưởng nhóm kỹ thuật.
Khi được hỏi về sản phẩm, Ngọc nói: "Beetlebot tiền thân là robot giao hàng ngoài trời, mình và các đồng đội đã điều chỉnh công nghệ và thiết kế phiên bản mới với các tính năng, vật liệu mới sử dụng được ở các môi trường: y tế, nhà hàng, khách sạn…
Nguyễn Bảo Ngọc cùng đồng đội với dự án Robot Beetlebot giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus cho các y, bác sĩ
Được biết, Beetlebot có thể giúp đỡ, hỗ trợ y, bác sĩ ở các tuyến đầu chống dịch tránh việc tiếp xúc với bệnh nhân. Chỉ cần lên lịch trình điểm đến trên điện thoại, Beetlebot sẽ tự động di chuyển mà không cần sự điều khiển của con người và giao các yếu phẩm đến cho bệnh nhân đang cách ly nhằm hạn chế việc lây nhiễm chéo.
Hơn nữa, Beetlebot còn có nhiều tính năng nổi trội khác như: hỗ trợ y, bác sĩ thăm khám; phun, xịt, khử khuẩn; cảnh báo, nhắc nhở bệnh nhân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn…
Ngọc mong muốn ngày càng có nhiều các sản phẩm AI và Robotics được ứng dụng trong đời sống, điển hình như hệ thống AI giải quyết các bài toán nhận diện biển số xe, đọc số serial sản phẩm, cảnh báo...
Phức tạp hơn là kết hợp AI và Robot để giảm tải công việc nặng hoặc các công việc có khả năng, gây nguy hiểm cho con người nhằm hỗ trợ, giải quyết các vấn đề cấp bách của tổ chức, xã hội và các doanh nghiệp. Anh tin rằng, Việt Nam sẽ trở thành một nước tự động hóa với sự xuất hiện của AI và Robot trong tương lai không xa.
"Với mình, có đam mê là điều bình thường, nhưng giữ đam mê luôn cháy mới là điều khó. Mình mong các bạn trẻ ở bất kể ngành nghề nào, nếu đã theo đuổi đam mê thì hãy giữ vững tinh thần để luôn tỉnh táo, kiên định và theo đuổi nó đến cùng. Dù vấp phải sự nghi ngờ, phản đối từ bất kỳ ai, hãy chứng tỏ là họ đã nghĩ sai về bản thân và đam mê của bạn”, đó là thông điệp mà nam kỹ sư trẻ muốn truyền tải.
(Theo PTO)