Mong muốn thay đổi một thói quen
Chia sẻ về ý tưởng này, cô giáo Nguyễn Thị Hằng kể: "Khi còn là sinh viên Trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội, tôi đã yêu chồng tôi bây giờ. Anh ấy là người dân tộc Mông đến từ miền núi Yên Bái. Quá trình yêu và tìm hiểu nhau, tôi khá sốc khi phát hiện ra anh chưa bao giờ mặc quần lót. Tôi có hỏi thì anh bảo từ bé đã mặc vậy quen rồi…”.
Cô Hằng cũng chia sẻ, sau này lấy anh, cô còn "sốc" hơn nữa khi phát hiện ra cả nhà chồng cũng không ai mặc đồ lót. Tìm hiểu nhiều hơn, chị thấy những người xung quanh là đồng bào dân tộc thiểu số cũng đa số giống như vậy. Cũng từ đó, chị Hằng quan tâm đến "chiếc quần lót" nhiều hơn. Chị lên mạng tìm hiểu về ý nghĩa của việc mặc quần lót và chị càng cảm thấy lo ngại khi biết bộ phận sinh dục không được bảo vệ đúng cách, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như thế nào.
"Tôi thấy rất lo ngại về tình trạng các thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số ở một số vùng, thường không mặc quần lót cho đến tuổi trưởng thành. Con gái thường không mặc quần lót cho đến khi lấy chồng và nam thanh niên cũng như vậy. Họ dường như chưa biết đến tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản và chưa có kiến thức về các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục”, chị Hằng chia sẻ.
"Việc không sử dụng đồ lót, còn làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và văn hóa của đồng bào dân tộc. Những thiếu nữ mặc váy truyền thống rất đẹp, nhưng vì không mặc quần lót, nên thường phải mặc thêm 1 chiếc quần dài, làm phá vỡ vẻ đẹp và thiết kế của trang phục…”, chị Hằng tâm sự.
Trong khi đó, chị Hằng tìm hiểu thì được biết lý do các thanh thiếu niên không mặc đồ lót cho đến khi lập gia đình, chỉ vì ngại mua; ngại bị bình phẩm về kích cỡ, kiểu dáng… Từ đó cô nuôi ý tưởng sẽ "xóa” nạn "thả rông” của thanh thiếu niên vùng cao.
Dần dần tạo niềm tin
Cô bắt đầu tuyên truyền từ người nhà trước. Cô mua 1-3 chiếc quần lót cho các em của A Cải sử dụng. Em gái A Cải mặc tốt, tuyên truyền cho bạn, sau đó lan rộng đến những người khác.
Bên cạnh đó hai vợ chồng cô triển khai dự án thí điểm đến học sinh Trường tiểu học và THCS Suối Bu (Văn Chấn). Hằng cho biết chọn đối tượng là các em học sinh lớp 8, lớp 9, dự án hướng đến đào tạo "chiến sĩ nguồn" là những em nhỏ có nhiệt huyết, sức ảnh hưởng khi tham gia phong trào để có thể lôi kéo, hướng dẫn các bạn khác cùng tham gia.
"Đây là vấn đề nhận thức, không thể yêu cầu họ thay đổi ngay được. Thay đổi một người, hai người, rồi mới đến tập thể lớp. Sau đó tập thể lớp tuyên truyền cho các em nhỏ hơn" - Hằng quả quyết.
Làm sao để các em người Mông nghe theo mình? Hằng bộc bạch đó cũng là trở ngại lớn nhất khi cô không biết tiếng đồng bào, nói chuyện về "vấn đề tế nhị" càng khó hơn. May mắn là trong suốt chặng đường đi của Hằng luôn có chồng đồng hành.
Những trang phục đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không bị "phá vỡ" nếu học sinh được mặc đồ lót.
Cả hai "cất cái ngại đi", sử dụng tiếng Mông tuyên truyền cho con em đồng bào hiểu. Bước đầu là tuyên truyền về tác dụng của việc sử dụng đồ lót, tặng cho đồng bào dùng thử trước, cung cấp sản phẩm đồ lót tốt cho bà con. Sau đó tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ.
Nhìn thấy dự án ý nghĩa của cô giáo, các em học sinh của Hằng ở Hà Nội đề xuất cùng cô giáo thiết kế cẩm nang về sức khỏe sinh sản, về đồ lót, sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Mông, có sử dụng hình ảnh phù hợp với lứa tuổi của các bạn học sinh. Cô Hằng cho biết sắp tới "Happy chip" sẽ hướng đến sử dụng video, hình ảnh, poster để tuyên truyền cho đồng bào về tác dụng của đồ lót, về sức khỏe sinh sản.
Sau một thời gian triển khai cô giáo Nguyễn Thị Hằng cho biết thời gian tới sẽ đánh giá hiệu quả bước đầu của dự án, sau đó triển khai sâu rộng đến các địa bàn vùng cao khác.
(Theo Báo Dân tộc)