Mô hình tổ hợp tác của Sùng A Lâu

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/6/2021 | 11:10:21 AM

YênBái - Không chỉ năng nổ, nhiệt tình với nhiệm vụ được giao, huyện vùng cao Trạm Tấu đã có những cán bộ Đoàn cơ sở mạnh dạn phát triển kinh tế không chỉ xóa nghèo, làm giàu cho bản thân mà còn giúp các bạn đoàn viên cùng nhau phát triển kinh tế làm giàu ngay tại quê hương; trong đó có anh Sùng A Lâu - Phó Bí thư Đoàn xã Pá Hu.

Nhờ chăm sóc tốt, nên dê của Tổ hợp tác nuôi dê núi do Sùng A Lâu làm Tổ trưởng luôn sinh trưởng, phát triển tốt, được khách hàng bao tiêu sản phẩm.
Nhờ chăm sóc tốt, nên dê của Tổ hợp tác nuôi dê núi do Sùng A Lâu làm Tổ trưởng luôn sinh trưởng, phát triển tốt, được khách hàng bao tiêu sản phẩm.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Cang Dông, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Sùng A Lâu từ bé đã học hành chăm chỉ và sớm thi đỗ vào Đại học Kinh tế quốc dân hệ tập trung. Tốt nghiệp năm 2016, anh trở về địa phương với mong muốn đóng góp sức trẻ cùng những kiến thức học được để xây dựng quê hương và được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã. Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, anh đảm nhiệm thêm công tác văn phòng Đảng ủy xã.

Trong vai trò là Phó Bí thư Đoàn xã, anh luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động, gương mẫu trong cuộc sống nên ngày càng nâng cao được uy tín cũng như khả năng tập hợp đoàn viên thanh niên trên địa bàn tham gia các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. 

Theo đó, ngay trong đợt ra quân thực hiện công trình chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, anh đã cùng Ban Chấp hành Đoàn xã huy động hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên làm công trình "Con đường em tới trường" có chiều dài 1 km trên địa bàn thôn Cang Dông, giúp các cháu học sinh và bà con trong thôn đi lại thuận tiện cả 4 mùa. 

Đánh giá về tinh thần phát huy sức trẻ của anh Sùng A Lâu, anh Giàng A Tạng - Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu tự hào: "Sùng A Lâu là một trong những cán bộ Đoàn trẻ có năng lực, trình độ. Trong thời gian qua, đồng chí Lâu luôn tích cực tham mưu với Ban Chấp hành Đoàn xã thực hiện tốt việc tập hợp đoàn viên thanh niên, tuyên truyền vận động các bạn trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tích cực hưởng ứng các phong trào do Đoàn các cấp phát động. Đặc biệt, trong thời gian qua, đồng chí đã tham mưu với Đoàn xã huy động nhân dân, đoàn viên thanh niên trong thôn và toàn xã triển khai hoàn thành công trình "Con đường em đến trường" tại thôn Cang Dông đảm bảo đúng kế hoạch”.

Không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Sùng A Lâu cũng là người mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình nhờ biết sử dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như của tỉnh và của huyện, trong đó có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 106 của Huyện ủy Trạm Tấu về thực hiện nhiệm vụ năm 2020, tháng 5 năm 2020, Sùng A  Lâu đã cùng 2 đoàn viên trong thôn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua dê giống, thành lập Tổ hợp tác nuôi dê núi. 

Sùng A Lâu cho biết: "Sở dĩ, tôi chọn mô hình nuôi dê thương phẩm là do nguồn nhân lực trong các gia đình người Mông khá dồi dào và lớp trẻ đang khát khao vươn lên xóa nghèo, làm giàu. Đối tượng vật nuôi có những tiềm năng, thế mạnh riêng ở vùng cao, đó là một phần nguồn giống có thể chủ động được; dê dễ nuôi, sinh sản mạnh và nguồn cỏ, lá cây làm thức ăn nuôi dê rất sẵn trong tự nhiên. Đặc biệt, dê núi hiện tiêu thụ rất tốt và nguồn cung ứng dê thịt chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Cùng đó, việc phát triển chăn nuôi hàng hóa đối với đồng bào miền núi đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách,  nhất là các chính sách ưu đãi vốn vay”. 

Theo đó, từ 19 con dê ban đầu của Tổ hợp tác, đến nay, 3 thành viên luôn duy trì đàn dê trên dưới 30 con; trong đó, có nhiều dê nái và trung bình mỗi thành viên một năm bán khoảng 10 con dê thịt, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. 

Riêng Sùng A Lâu, từ đầu năm đến nay đã bán được 5 con dê thịt. Trong vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác, Sùng A Lâu luôn có sự bàn bạc, chia sẻ với các thành viên trong Tổ về cách chăm sóc đàn dê sao cho hiệu quả nhất. Nhờ đó, đàn dê của anh và  các thành viên khác luôn sinh trưởng, phát triển tốt. 



Rừng tự nhiên phòng hộ ở huyện Trạm Tấu được bảo vệ, phát triển tốt, là điều kiện quan trọng để cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho chăn nuôi dê. 

Anh Sùng A Lâu chia sẻ: "Lúc đầu chúng tôi chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có kinh nghiệm nên đàn dê sinh trưởng và phát triển chậm, thường xuyên mắc bệnh nên tôi đã mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác nuôi dê núi với 3 hội viên, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đã được các thành viên rất ủng hộ”.

Là người đứng đầu Tổ hợp tác, Sùng A Lâu luôn năng nổ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê từ nhiều kênh thông tin khác nhau để từ đó phổ biến cho 2 thành viên còn lại; đồng thời, chủ động nắm bắt thị trường để dê bán được giá cao. 

Cái được khi tham gia Tổ hợp tác nuôi dê núi của Sùng A Lâu là các thành viên được học hỏi kinh nghiệm lẫn  nhau, cùng hỗ trợ giúp đỡ nhau để phát triển đàn dê. Kể từ khi  tham gia tổ hợp tác, kinh tế  của mỗi thành viên đã thật sự được cải thiện, nên ai cũng rất phấn khởi.

 Anh  Sùng A Lồng - một trong 3 thành viên của Tổ hợp tác cho biết: "Khi chưa tham gia Tổ hợp tác, dê nhà tôi thường xuyên mắc bệnh nên sinh trưởng và phát triển chậm. Từ khi tham gia tổ hợp tác nuôi dê, bản thân tôi được học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm nuôi dê nên thời gian qua, đàn dê của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển ổn định; thịt dê có chất lượng tốt; lượng dê xuất bán cũng nhiều hơn mà không đủ dê để bán cho khách hàng; đời sống gia đình tôi cũng bớt khó khăn so với những năm trước”.

Từ hiệu quả kinh tế mà Tổ hợp tác nuôi dê núi mang lại, Sùng A Lâu cho biết, thời gian tới, Tổ hợp tác sẽ chuyển hướng chăn nuôi từ chăn thả tập trung sang chăn nuôi bán chăn thả để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, Tổ sẽ hỗ trợ giống cho những gia đình đoàn viên trong xã có nhu cầu cũng như có điều kiện để cùng chăn nuôi. 

Tổ hợp tác nuôi dê núi của Sùng A Lâu không chỉ phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế mà còn là hướng đi mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của xã Pá Hu cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi của người dân địa phương. 

Đồng chí Hà Chánh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho hay: "Đồng chí Sùng A Lâu là một trong những đoàn viên thanh niên dám nghĩ, dám làm. Nhận thấy thế mạnh của địa phương, đồng chí đã mạnh dạn vay vốn để nuôi dê; đồng thời, thành lập tổ hợp tác nuôi dê. Đến nay, Tổ hợp tác nuôi dê núi do đồng chí Lâu làm Tổ trưởng đã phát huy được hiệu quả kinh tế; đồng thời, tạo sức lan tỏa đến các hộ dân trong xã cũng như các hộ đoàn viên thanh niên học hỏi và làm theo”.  

Thu Hằng - Lộc Chầm (Trung tâm TT&VH Trạm Tấu)

Tags tổ hợp tác Đoàn cơ sở phát triển kinh tế

Các tin khác
Đại biểu Quốc hội trẻ nhất Quàng Thị Nguyệt là người dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên

Bản miền biên cương Búng Giắt 1 (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, Điện Biên) những ngày này bỗng rộn rã, hân hoan khi một người con của bản, một phụ nữ dân tộc Khơ Mú mới 24 tuổi, trúng cử đại biểu Quốc hội, trở thành đại biểu trẻ nhất nước.

Nguyễn Khánh Linh là một tài năng nhí xuất sắc của Yên Bái.

Nguyễn Khánh Linh là một tài năng nhí xuất sắc của Yên Bái. Tuy mới 9 tuổi nhưng Khánh Linh đã giành được rất nhiều thành tích trong nghệ thuật và trong học tập.

Nguyễn Thiện Hải An thiết lập kỷ lục mới tại Đường lên đỉnh Olympia.

Đây là lần đầu tiên trong 21 năm Đường lên đỉnh Olympia có thí sinh ghi được 150 điểm ở phần thi Khởi động. Kỷ lục gia này đến từ Hà Nội.

Phạm Hồ Uyên Linh là sinh viên ngành Văn học so sánh và ngành Ngôn ngữ và Văn học tiếng Trung tại Trường ĐH Iowa (Mỹ).

“Từng giành điểm cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn, nhưng tôi vẫn chỉ đạt 18/20 điểm, tức không phải mức điểm tuyệt đối. Nhưng ở Mỹ lại khác, người học hoàn toàn có thể đạt A+ dù quan điểm có trái ngược với số đông”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục