Thật ngạc nhiên khi biết cô bé Đỗ Vũ Khánh Linh những năm học tiểu học, mỗi buổi chiều tan học được bố chở sau xe máy về nhà là ngồi ngay vào chơi đàn Piano giờ đã là thiếu nữ 17 tuổi vừa trúng tuyển vào 7 trường ĐH trong khi các bạn cùng tuổi vẫn còn 1 năm nữa ngồi học THPT. Năm trường ĐH ở Anh chấp nhận cho Linh vào học là University of Warwick, Birmingham, Manchester, Leeds và University College London.
Xa xứ
Nhớ lại thời điểm đang là học sinh lớp 7 trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao, Hà Nội, mẹ của Linh, chị Đỗ Mỹ Dung đã cho con thử nộp đơn vào một trường phổ thông ở Anh. Điều kiện chị đưa ra là khi được học bổng 100%, sẽ cho đi học.
Khánh Linh và mẹ
Để sang trường vào cuối tháng 4/2017, chuẩn bị học từ tháng 5 ở Anh, Linh đã xin trường cho thi học kỳ hai trước để kết thúc năm học, hoàn thành chương trình lớp 7 ở Việt Nam. Và trên chuyến bay đầu mùa hè năm đó, cô bé Khánh Linh đã rời Việt Nam sang Anh học tại trường Brooke House College. Ngồi một mình trên máy bay, Linh cảm thấy hơi buồn khi rời Việt Nam. Trong mắt cô bé 12 tuổi, nhìn từ trên máy bay xuống có một cảm giác gì đó hơi hụt hẫng và khó giải thích được tại sao. Nhưng khi đặt chân đến nước Anh, những điều mới lạ cần được khám phá nên Linh vợi quên nỗi buồn xa xứ. Hơn nữa, vì biết em còn nhỏ nên trường cũng hỗ trợ mọi thứ, từ việc sắp xếp ở nội trú gần trung tâm trường để tiện đi lại, đến giới thiệu người để có thể nói chuyện... nên Linh cũng vơi đi nỗi nhớ nhà.
"Quả thực trong suốt chặng đường đồng hành, mẹ luôn hy vọng con sẽ chọn một chuyên ngành liên quan đến giáo dục hay kinh tế, chuyên ngành dược hoặc bất kỳ chuyên ngành gì con thấy phù hợp... Mẹ không hề dừng hy vọng nhưng rồi thời điểm cũng đến và cơ hội được tính theo giờ, con gái vẫn giữ quan điểm của mình, theo đuổi chuyên ngành Y khoa để được là một bác sĩ. Ðối với rất nhiều người, bước ngoặt này đến và đi rất nhẹ nhàng, nhưng với mẹ, mẹ trân trọng những tinh thần ủng hộ con, trân trọng những ngôi trường đang mở rộng để con được trải nghiệm”, chị Ðỗ Mỹ Dung nhắn nhủ cô con gái 17 tuổi.
Bước vào môi trường giáo dục mới, có lẽ vì Linh có vốn Tiếng Anh khá tốt nên lúc học không gặp quá nhiều khó khăn. Bậc phổ thông ở Anh có 13 lớp, từ lớp 1-9 là giai đoạn học phổ thông, từ lớp 10-13 được chia thành 2 chương trình học: GCSE (lớp 10-11); A-level (lớp 12-13).
Linh chỉ mất 1 năm để hoàn thành nốt chương trình học phổ thông của Anh. Theo Linh, may mắn và lợi thế của mình là có mẹ làm giáo viên tiếng Anh, được đầu tư, tập trung cho theo học từ nhỏ. Bố mẹ Linh cũng khuyến khích con gái tham gia rất nhiều cuộc thi ở Việt Nam, Singapore, Mỹ, Séc, Thái Lan, giúp cô bé mở mang tầm mắt và sử dụng vốn tiếng Anh ở môi trường quốc tế.
Trong các môn học, toán là thế mạnh nhất của Linh, trường bên Anh đã luôn tạo điều kiện để em tham gia nhiều cuộc thi trong nước và em khá tự hào với những giải Toán đạt được trong 4 năm học. Nhờ những thành tích đó, Linh có cơ hội kèm bộ môn này cho các em khối dưới, kết nối, trau dồi kĩ năng truyền đạt kiến thức của mình cho mọi người. Ngoài ra, piano cũng là một bộ môn em đã được bố mẹ khuyến khích học từ nhỏ và trở thành thế mạnh thứ hai.
Qua những kì thi đàn khi còn học tại Việt Nam, Linh trưởng thành lên rất nhiều. Nhờ những giải đạt được, em tự tin thể hiện bản thân hơn khi sang Anh và tiếp tục thi, giành giải về cho trường. Năm 2020, Linh tổ chức được một buổi hòa nhạc. Gần đây nhất là năm học vừa rồi, em đã thi được chứng chỉ đàn của Anh: ABRSM Grade 8 Piano Performance và đủ khả năng để có thể dạy học.
Sẵn sàng với con đường đã chọn
Rời xa nơi mình trải qua 12 năm thơ ấu, đến một môi trường mới dù có là người trưởng thành cũng không tránh khỏi những lúc nhớ nhà. Nhưng trong suốt quá trình ở Anh, Linh chưa từng khóc vì điều này.
Cùng với sự chia sẻ của những người bạn, những trải nghiệm thú vị ở môi trường mới là nguồn động lực giúp Linh có được quãng thời gian tuyệt vời trong 4 năm học qua và chuẩn bị hành trang cho một chặng đường mới.
Với thành tích đạt toàn điểm A+các môn Sinh, Toán, Toán nâng cao và Hóa trong kì thi A-Level ở Anh, Linh đã được 5 trường ĐH của nước này gọi trúng tuyển. Nhưng vì sao với thành tích đó, Linh không chọn Mỹ, nơi mà rất nhiều học sinh Việt Nam đang mơ ước được theo học.
Linh cho biết hình như Linh nhận được gen liều của mẹ (vì ngày xưa mẹ chỉ nộp hồ sơ vào đúng 1 trường ở Mỹ và đã được gọi nhập học) nên chỉ nộp vào các trường ở Anh, nơi em cảm thấy có một hệ thống giáo dục tốt và quen thuộc.
Mong muốn của Linh là được học Y, nhưng chi phí học Y ở Anh không nằm trong khả năng của gia đình, nên khi thấy ở Việt Nam có một ngôi trường có chương trình đào tạo chuẩn Mỹ và có liên kết với các trường ĐH bên đó, em có thêm một quyết định nộp hồ sơ. Đứng trước 7 sự lựa chọn, Linh suy nghĩ khá nhiều. Một trong những ngôi trường em từng nghĩ mình sẽ học là trường Đại học Y Khoa Tokyo vì phí rất vừa phải, thời gian học ngắn hơn nhưng sau đó Linh quyết chọn VinUni.Mẹ Đỗ Mỹ Dung vẫn hay nói rằng nhiều khi thấy con chẳng lo nghĩ gì, "thế nào cũng được”.
Linh biết đây là một khuyết điểm cần khắc phục. Tuy nhiên, đôi khi khuyết điểm lại trở thành lợi thế, đặc biệt là những lúc gặp những trở ngại trong quá trình học tập cần phải thích nghi với tình huống. Dù vậy, bản thân Linh luôn có một mục tiêu khá rõ ràng, sẽ cố gắng đạt được học bổng cao hơn ở đại học trong những năm học tới. Thêm vào đó Linh cũng đang dạy thêm Tiếng Anh, và mong muốn là sẽ giúp được bạn nào cần học thêm các môn Toán, Sinh và Hóa bằng tiếng Anh vì đây là thế mạnh của em. Nhưng quan trọng nhất là giảm bớt được gánh nặng chi phí cho gia đình.
Khánh Linh ngày mới sang Anh du học
Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Đỗ Mỹ Dung giống như một cuốn từ điển để trả lời "vạn câu hỏi vì sao” từ Linh. Đơn giản vì em nghĩ mẹ là người mình có thể tin tưởng tuyệt đối và luôn khuyên mình những gì tốt nhất. Dù ở Anh hay Việt Nam, với em vẫn luôn có một người dõi theo và hiểu những gì em làm. Bên cạnh đó, còn bao gồm rất nhiều công sức và tâm huyết của nhiều người, thầy cô, bạn bè, gia đình… góp một phần quan trọng để hình thành một Khánh Linh của bây giờ. Em luôn biết ơn vì điều đó.
(Theo TPO)