Với tính sáng tạo và hữu dụng cao, sản phẩm "Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị” của Trương Minh Đức (lớp 12A8) và Nguyễn Bình An (lớp 12A6) - Trường THPT Phan Đình Phùng đã đạt giải tư Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020- 2021 và được vinh danh trong "Sách vàng sáng tạo Việt Nam” năm 2021.
Có chung niềm đam mê KHKT, Trương Minh Đức và Nguyễn Bình An đã sớm thân thiết từ nhỏ. Lên THPT, dù học khác lớp nhưng 2 bạn vẫn thường xuyên kết nối, cùng nhau tìm kiếm và nghiên cứu về lĩnh vực này.
Tháng 9/2020, trong một lần tìm đề tài cho Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học Hà Tĩnh năm học 2020- 2021, Trương Minh Đức nhận thấy có rất ít thiết bị dành cho người khiếm thị hoặc nếu có thì những sản phẩm đó vẫn còn rất nhiều lỗi, giá thành cao. Mong muốn sáng tạo một thiết bị tối ưu hóa có thể giúp người khiếm thị đi lại dễ dàng, tự tin hơn khi di chuyển, Trương Minh Đức đã cùng Nguyễn Bình An thực hiện ý tưởng này.
Sau khi trình bày ý tưởng với giáo viên hướng dẫn là cô Đinh Thị Hồng Vân (giáo viên dạy Hóa), cả 3 cô trò đã mày mò vừa tìm hiểu vừa chế tạo thiết bị trong suốt 3 tháng. Công việc được phân chia cụ thể khi giáo viên định hướng còn Minh Đức phụ trách về phần mềm, Bình An đảm nhiệm phần cứng.
"Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị" của chúng em có 2 phần (phần cứng và phần mềm) có thể hoạt động mọi lúc, mọi nơi mà không cần kết nối Internet. Đó là sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và bộ loa phát thanh. Thiết bị được làm như một chiếc túi đeo trước ngực gồm các bộ phận như máy chủ, ổ lưu trữ dữ liệu, loa, camera, tai nghe...
Khi người khiếm thị di chuyển trên đường, nếu gặp vật cản phía trước thiết bị sẽ tự động phát loa báo hiệu có vật cản đồng thời hướng dẫn di chuyển sang hướng an toàn. Không những vậy, thiết bị này còn có khả năng nhận diện người thân cho người sử dụng” - Trương Minh Đức giới thiệu.
Hai bạn trẻ dành nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin từ các tài liệu nước ngoài.
Thiết bị sử dụng phần mềm dựa trên các thuật toán được viết trên Visual Studio 2019 do Minh Đức và Bình An tự lập trình. Ngoài ra, hai bạn trẻ và giáo viên hướng dẫn phải dành nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin từ các tài liệu nước ngoài.
Nguyễn Bình An chia sẻ: "Trong suốt quá trình thực hiện, bọn em gặp một số khó khăn như phải tự mày mò dịch tài liệu bằng tiếng Anh rồi lập trình theo hướng dẫn. Bên cạnh đó, vì muốn người khiếm thị có thể tiếp cận dễ dàng với thiết bị này nên bọn em phải cố gắng làm sao để phần cứng vừa đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và giá thành rẻ nên phải lắp ghép, chỉnh sửa sản phẩm rất nhiều lần”.
Sau khi hoàn thành, 2 bạn đã mang sản phẩm của mình tới Hội Người mù để thử nghiệm. Thiết bị đã được nhiều người khiếm thị đánh giá là hữu ích, đồng thời cũng chỉ ra các khiếm khuyết giúp hai em khắc phục để hoàn thiện sản phẩm.
"Qua những lần thử nghiệm đầu tiên, Đức và An đã nhận ra được những nhược điểm trong sản phẩm của mình và nhanh chóng khắc phục nó. Để hoàn thiện sản phẩm hai em đã phải mất rất nhiều công sức nhưng cũng từ đó mà các em đã trưởng thành hơn rất nhiều”- cô Hồng Vân bày tỏ.
Ngoài giờ học, 2 bạn còn thường xuyên mày mò sáng chế khoa học kỹ thuật
Sau hơn 3 tháng bắt tay thực hiện, sản phẩm "Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị” của Trương Minh Đức và Nguyễn Bình An đã giành giải nhất Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2020- 2021. Qua chỉnh sửa, nâng cấp, tháng 3/2021, sản phẩm tiếp tục giành giải tư Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2020-2021 và được chọn là 1 trong 76 tác phẩm trong toàn quốc được vinh danh trong”Sách vàng sáng tạo Việt Nam" năm 2021.
"Tại các cuộc thi, thiết bị được đánh giá có tính ứng dụng cao trong việc hỗ trợ người khiếm thị, tỉ lệ xác định đường đi, tốc độ tính toán xác định vật cản cao, khả năng kiểm soát và lưu trữ hiệu quả, có thể lưu thông rộng rãi. Tuy nhiên, nếu được đầu tư thì bọn em sẽ tối ưu hóa sản phẩm với các tính năng như Google Map hoặc thiết kế nhỏ gọn hơn...” - Minh Đức bày tỏ.
Sáng chế của 2 em giành giải tư Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2020-2021 tại TP Huế (Ảnh tư liệu)
Cô Trần Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: "Minh Đức và Bình An là 2 học sinh giỏi tỉnh môn Tin học, rất thông minh, chăm chỉ và đam mê các sáng chế khoa học kỹ thuật. Chính vì vậy, từ đầu nhà trường đã chọn nhân tố và định hướng cho các em để tham gia các cuộc thi sáng tạo KHKT. Đạt được kết quả này, nhà trường rất vinh dự và tự hào khi sáng chế của các em là đại diện duy nhất của Hà Tĩnh được lọt vào "Sách vàng sáng tạo Việt Nam” năm 2021”.
(Theo Báo Hà Tĩnh)