Sinh ra và lớn lên trên vùng đất quế - xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Hải và Lê Minh Tâm, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên được chứng kiến nỗi vất vả của những người nông dân trong quy trình sản xuất bầu quế giống. Từ đó, hai em nung nấu phải làm điều gì hữu ích giúp cho bà con vơi đi nỗi nhọc nhằn. Cùng khi đó, nhà trường phát động Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học nên Hải và Tâm càng có thêm động lực và thực hiện Dự án "Công cụ tra hạt bầu quế”.
Em Nguyễn Văn Hải chia sẻ: "Công cụ tra hạt bầu quế hỗ trợ người nông dân khi tra hạt ở 3 công đoạn, đó là tạo hố, thả hạt và phủ đất. Các bộ phận này được tích hợp trên một khung đỡ và dễ dàng di chuyển bằng các bánh xe. So với phương thức tra hạt thủ công thì tốc độ của công cụ tra hạt bầu quế này nhanh hơn gấp 5 - 6 lần. Nghĩa là, nếu như tra 1 kg hạt quế (tương đương 2.300 hạt) bằng phương pháp thủ công hết 2 giờ đồng hồ thì sử dụng công cụ tra hạt bầu quế chỉ hết khoảng 20 phút. Đặc biệt, kỹ thuật tra hạt bầu quế bằng công cụ tra hạt có tính chuẩn xác hơn phương pháp thủ công nên tỷ lệ hạt nảy mầm cũng cao hơn”.
Để kiểm tra tính ứng dụng, hiệu quả của công cụ tra hạt bầu quế, nhóm Dự án đã tiến hành thử nghiệm tại Vườn ươm tiêu chuẩn hữu cơ Vina Samex, Hợp tác xã Quế Hồi, xã Đào Thịnh. Sau quá trình thử nghiệm, nhóm đã phát phiếu khảo sát, xin ý kiến của những công nhân đang làm việc tại vườn ươm.
Qua khảo sát, hầu hết các ý kiến đều nhận định, công cụ tra hạt bầu quế vận hành đơn giản, nhẹ nhàng, không kén địa hình vườn ươm, tiết kiệm thời gian, chi phí, sức lao động. Đồng thời, rất mong muốn sản phẩm được sản xuất đại trà để nhiều người sản xuất bầu quế giống có cơ hội được sử dụng.
Cô giáo Hoàng Thị Tuấn - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Lê Quý Đôn, người bảo trợ Dự án "Công cụ tra hạt bầu quế” chia sẻ: "Hiện tại, quế đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong tỉnh. Cây quế không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường. Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây quế thì việc sản xuất cây giống là khâu tiên quyết. Do đó, từ những kết quả thu được qua quá trình thử nghiệm, có thể khẳng định, công cụ tra hạt bầu quế là sản phẩm hữu ích đối với người làm vườn và được mong đợi với các vườn ươm quế”.
Theo báo cáo của Hợp tác xã Quế Hồi, xã Đào Thịnh, trung bình mỗi năm, Vườn ươm tiêu chuẩn hữu cơ Vina Samex sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 10 triệu cây giống; Hợp tác xã Vườn ươm cây giống 2/9, thôn Đồng Trạng, xã Báo Đáp mỗi năm sản xuất từ 5- 7 triệu cây giống. Cây giống đạt tiêu chuẩn được xuất bán đi nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành trong nước như: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị...
Thực tế cho thấy, tiềm năng phát triển nghề sản xuất bầu quế giống là rất lớn và nếu "công cụ tra hạt bầu quế” của nhóm Dự án được các cấp, các ngành quan tâm, phát triển sản phẩm và đưa vào thị trường thì sẽ góp phần thúc đẩy nghề sản xuất bầu quế giống tiếp tục phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trồng rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thầy giáo Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: "Chúng tôi rất vui và tự hào vì Dự án "Công cụ tra hạt bầu quế” đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022 và tiếp tục được chọn đi dự thi cấp quốc gia. Cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh các cấp là sân chơi trí tuệ, bổ ích đối với các em học sinh, vì thế nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các em tham gia. Qua đó, không chỉ góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà còn khuyến khích các em nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống”.
Hồng Oanh