Mùa xuân đẹp và tinh khôi như tuổi trẻ và tình yêu. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người. Ở tuổi ấy người ta không biết đến nỗi buồn, sự so đo hơn thiệt mà chỉ có một trái tim ấm nóng, một tâm hồn trong sáng và lòng nhiệt huyết vô bờ.
Tuổi trẻ của Đại úy người Tày Lò Thị Linh Phương chính vì thế mà trở nên đẹp biết bao. Sinh năm 1988, không xuất thân từ gia đình có truyền thống may mặc, cũng không được đào tạo bài bản về thiết kế thời trang thế nhưng Phương đã là người tiên phong kết hợp họa tiết thổ cẩm với trang phục áo dài ở Yên Bái và hiện đang là chủ nhân của thương hiệu áo dài thổ cẩm Linh Phương.
Không cần quảng bá nhiều, những sản phẩm của Phương luôn được khách hàng trong, ngoài tỉnh yêu thích. Linh Phương chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Lò - Nghĩa Lộ, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã bị mê hoặc bởi sắc màu rực rỡ và những họa tiết hoa văn thổ cẩm độc đáo, tinh tế mang hồn cốt, bản sắc đặc trưng của các dân tộc. Vẫn biết thổ cẩm là tổng hòa của bao nhiêu công sức, trí tuệ, niềm đam mê được chắt lọc và hun đúc từ khối óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của biết bao thế hệ từ ngàn đời, nhưng khi quá yêu thổ cẩm tôi luôn mơ một ngày sẽ nâng tầm nét đẹp độc đáo của thổ cẩm".
"Tôi mơ trong thổ cẩm có một phần hồn cốt của riêng tôi, vậy nên tôi đã sống trọn với mơ ước và niềm đam mê cháy bỏng đó” - Phương nói.
Như một cơ duyên khi Phương được nhận công tác tại Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Yên Bái. Với đặc thù công việc, Phương đi nhiều, được gặp, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc nhiều hơn, từ đó, niềm đam mê thổ cẩm trong Phương lại càng được hun đúc và hiện thực hóa trong những bộ áo dài truyền thống kết hợp với hoa văn thổ cẩm.
Phương chia sẻ thêm: "Thời gian đầu, tôi gửi con cho bà ngoại, lặn lội vào bản, đến tận nhà của đồng bào dân tộc thiểu số xem cách họ dệt vải, thêu thổ cẩm và lắng nghe câu chuyện của họ. Mỗi khi có dịp đi công tác tại các bản xa xôi, tôi tranh thủ gặp gỡ với đồng bào để hiểu thêm về văn hóa, niềm tự hào của họ với trang phục của mình. Tôi cũng tranh thủ thu xếp công việc để học thêm về thiết kế, vừa hiểu về chất liệu, mày mò về cách phối màu… để cho ra đời những bộ áo dài thổ cẩm hoàn thiện như hôm nay”.
Hiện nay, Phương có 5 thợ may cộng tác thường xuyên, lúc cao điểm, số lượng thợ may lên đến 10 người với thu nhập bình quân từ 7 - 13 triệu đồng/tháng. "Tôi mong muốn những bộ áo dài thổ cẩm của mình sẽ ngày càng được nhiều các bạn trẻ đón nhận và có sức lan tỏa mạnh mẽ với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị chân, thiện, mỹ của thổ cẩm Việt Nam” - Phương nói.
Đón năm mới với ước vọng thành công, nhiều bạn trẻ Yên Bái xác định cho mình một con đường, một hướng đi riêng. Nhưng điểm chung dễ nhận thấy ở họ chính là niềm say mê, sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi ý tưởng, năng động, sẵn sàng thích ứng nhanh với mọi thay đổi, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải Giàng A Dê là đại diện cho hình mẫu thanh niên ấy. Cách đây 4 năm, cuộc sống bình dị của gia đình anh cứ thế nhẹ nhàng trôi với công việc ổn định tại Viettel Mù Cang Chải. Thế rồi ý tưởng làm du lịch cộng đồng dường như đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống cũng như đem tới cho Dê những trải nghiệm vô cùng quý giá trong cuộc đời.
Sau đúng một năm vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, homestay mà vợ chồng Giàng A Dê mong đợi đã được hoàn thiện với tên gọi đặc biệt: "Hello Mù Cang Chải”. Đến với Hello Mù Cang Chải, du khách không chỉ được sống giữa thiên nhiên, thỏa thích ngắm đất trời mà còn được Giàng A Dê… "dụ” tham gia các hoạt động của người dân địa phương như: xuống suối bắt cá, lên nương cuốc, cày, trồng cấy, bẻ ngô…
Giàng A Dê chia sẻ: "Du khách đã lên tới đây là tìm kiếm sự khác biệt, mới lạ, độc đáo về văn hóa, về cuộc sống và thiên nhiên để giảm căng thẳng. Mình phải giữ nụ cười và tạo sự thân thiện hòa đồng, để ai cũng thấy vui và tràn đầy năng lượng sống”.
Năm 2020, từ kinh doanh homestay, Giàng A Dê đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải nhằm mục đích mở rộng hợp tác đón khách ngoại quốc với các công ty du lịch, tạo nguồn khách ổn định, dồi dào cung ứng cho các homestay.
Không dừng lại ở đó, vợ chồng Giàng A Dê đã mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong xã và kêu gọi du khách nước ngoài đến ở homestay cùng tham gia dạy học, trò chuyện với các học viên nhí. Gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch giảm đáng kể so với trước nhưng Dê không hề nản chí, anh coi đây là khoảng thời gian để mình tự học, tự trau dồi thêm những kiến thức về du lịch để có những hướng đi mới lạ và độc đáo hơn.
Năm 2021, Công ty của Dê chỉ đạt doanh thu 220 triệu đồng nhưng vẫn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, 6 hướng dẫn viên theo thời vụ và 12 xe ôm du lịch. Cách làm du lịch của vợ chồng Giàng A Dê đã truyền cảm hứng cho người Mông Mù Cang Chải đầu tư làm homestay. Hiện, xã La Pán Tẩn đã có 14 hộ người Mông đầu tư làm homestay với doanh thu bình quân 80-100 triệu đồng/hộ/năm.
"Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Xuân mới khởi đầu cho một hành trình mới. Tuổi trẻ Yên Bái với tinh thần không ngại khó, năng động, sáng tạo, khát vọng cống hiến cũng đang hòa chung vào mùa xuân của dân tộc tạo nên sức mạnh, góp phần điểm tô cho mùa xuân đất nước thêm đẹp tươi.
Thu Trang