Nguyễn Nam Huyên ở thành phố Avon, bang Connecticut, đang học năm cuối Đại học Bang Connecticut và sẽ tốt nghiệp vào tháng 5. Hôm 17/2, khi vừa bước sang tuổi 19, nữ sinh gốc Việt được thông báo trúng tuyển học bổng tiến sĩ chuyên nghành Tài chính, trường Kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania (UPenn) - nằm trong nhóm Ivy League, được tạp chí US News & World Report xếp hạng nhất về ngành Tài chính.
Được miễn học phí 5 năm, SeSe (tên thân mật của Huyên) còn nhận hơn 45.000 USD mỗi năm cho sinh hoạt phí và gần 4.000 USD phí bảo hiểm sức khỏe.
Em nộp hồ sơ vào 15 trường, trong đó 5 trường thuộc Ivy League. Bên cạnh Wharton, SeSe cũng được nhận vào trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, trường Kinh doanh Simon của Đại học Rochester. Nữ sinh cũng trong danh sách chờ của Massachusetts Institute of Technology (MIT), UC Berkeley, vào vòng phỏng vấn cuối và chờ kết quả các trường Chicago, Duke, Boston College... Nhưng em chọn UPenn và chuẩn bị nhập học mùa thu năm nay.
"Em rất vui khi được nhận vào chương trình tiến sĩ của UPenn. Đây là ngôi trường mơ ước, có những nghiên cứu sâu được hướng dẫn bởi các giáo sư đầu ngành, là nơi giúp em hiện thực hóa ước mơ trở thành tiến sĩ nghiên cứu và giảng dạy", SeSe cười, cố gắng diễn đạt bằng tiếng Việt qua màn hình Zoom.
Trong cuộc phỏng vấn từ xa, SeSe ngồi cạnh bố, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, trưởng khoa Tài chính - Kế toán, Đại học Westfield State, bang Massachusetts, để nhờ hỗ trợ phiên dịch. Nữ sinh 19 tuổi bày tỏ tự hào khi mọi bước đi và thành quả đạt được đều có dấu ấn đồng hành của bố mẹ. Nhờ bố định hướng và giúp xây dựng chiến lược, SeSe từng bước thực hiện để sớm đạt mục tiêu theo học chương trình tiến sĩ.
"Tôi bất ngờ và hạnh phúc trước kết quả của con. Chúng tôi chỉ hy vọng con đỗ các trường như Rochester hay Boston College nhưng không ngờ kết quả ngoài mong đợi", bố của SeSe chia sẻ, cho biết thêm, theo số liệu các năm trước, tỷ lệ được nhận vào ngành Tài chính ở các trường hàng đầu Mỹ chỉ khoảng 1-3%.
Suốt buổi trò chuyện, giáo sư Liêm khuyến khích con gái nói tiếng Việt và chỉ lên tiếng khi con diễn đạt khó khăn. Ông hạnh phúc vì sự nghiêm túc và nỗ lực của con đã có kết quả. Với SeSe, ông không khi nào phải lo lắng về việc học, bởi em ý thức, chăm chỉ và học ra học, chơi ra chơi.
Bốn tuổi, SeSe sang Mỹ sau khi bố em giành học bổng tiến sĩ tài chính. Thông minh và học nhanh, cô bé được "nhảy cóc" hai lần, lớp một lên lớp ba và lớp năm lên lớp bảy. Tốt nghiệp thủ khoa trung học, SeSe được học bổng toàn phần vào đại học ở tuổi 16. Em học hai ngành Kinh tế và Xác suất thống kê, thêm chuyên ngành phụ là Toán. Với thành tích xuất sắc, SeSe sẽ hoàn thành chương trình đại học chỉ trong ba năm.
Thông thường để học lên tiến sĩ, ứng viên phải tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và có kinh nghiệm nghiên cứu. Nhưng lộ trình của SeSe ngắn hơn.
Để có lợi thế khi nộp chương trình tiến sĩ, ngay từ những năm trung học, SeSe chủ động học nhiều môn honours được giảng dạy sâu hơn các lớp tương đương khác, giúp có hệ số điểm cao hơn khi đánh giá GPA.
Em cũng chứng minh năng lực bằng việc đăng ký môn khó, ít người học. "Khó đến mấy em cũng cố gắng tự đọc thêm tài liệu, làm thêm các ví dụ trong sách. Nếu vẫn không hiểu bài, em chủ động hỏi trợ giảng hoặc gặp thầy", SeSe kể.
Ban đầu em đăng ký sáu lớp một kỳ và đều đạt điểm A. Cảm thấy vẫn có thể học thêm môn, SeSe nâng dần số lớp và về đích sớm nhưng vẫn duy trì tất cả điểm A.
Kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy là yếu tố quan trọng, gần như quyết định việc ứng viên có được nhận vào học tiến sĩ hay không. Vì thế khi vào đại học, nữ sinh làm trợ giảng và dạy kèm các bạn sinh viên trong trường với sáu môn khác nhau.
Không chỉ nghiên cứu trong các dự án tại khoa Kinh tế của trường, SeSe xin tham gia ở các đại học khác. Em cũng làm dự án ở FDIC (Cục Bảo hiểm Thanh khoản Hệ thống Ngân hàng Mỹ). Nữ sinh còn giành học bổng khoá học sau đại học, chuẩn bị cho chương trình tiến sĩ sau này, của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA). Hai năm qua, SeSe kiếm được hơn 20.000 USD từ học bổng, đi dạy, làm nghiên cứu trong trường và từ AEA.
"Những kinh nghiệm đi dạy, làm nghiên cứu giúp em có kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian tốt và trưởng thành hơn. Nhờ đi dạy, em khẳng định lại một lần nữa công việc này phù hợp với mình, thay vì ngành y theo mong muốn của gia đình", nữ sinh chia sẻ.
Theo SeSe, để thuyết phục hội đồng tuyển sinh, ngoài đáp ứng các yêu cầu bài luận, sơ yếu lý lịch, điểm GPA, GRE và hoạt động ngoại khóa, ứng viên cần có nghiên cứu và thư giới thiệu.
Tiến sĩ Hal Pedersen, giảng viên Đại học California ở Santa Barbara, là một trong ba người viết thư giới thiệu SeSe. Ông cũng hướng dẫn SeSe một đề tài của trường và từ Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
"Tôi rất mừng khi biết SeSe sẽ học tại Wharton. SeSe đặc biệt tài năng, đã nỗ lực nhiều năm để theo đuổi tham vọng. Thật vui khi thấy một người làm việc chăm chỉ được công nhận và trao cơ hội như vậy", tiến sĩ tài chính, tốt nghiệp Washington University, bày tỏ.
Trong một năm làm việc cùng SeSe, ông Pedersen ấn tượng với nữ sinh Việt ở sự chu đáo, tốt bụng và dễ mến. Ngoài học tập, SeSe có nhiều đam mê. Em từng là đội trưởng đội quần vợt và vận động viên tennis số một của thành phố Avon trong bốn năm trung học; chủ tịch ban nhạc ở trường và giải học sinh giỏi nhất môn Sinh, Hóa, Lịch sử, Âm nhạc, tiếng Tây Ban Nha cấp trường.
Theo ông Pedersen, bắt đầu chương trình tiến sĩ ở tuổi 19 là khá trẻ nhưng SeSe trưởng thành và có kỷ luật. "SeSe tự tin vào khả năng của mình vì có nền tảng và sự chuẩn bị tốt. Em cũng có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ gia đình. Tôi hy vọng hành trình phía trước sẽ mang tới nhiều trải nghiệm tuyệt vời cho SeSe", tiến sĩ nói.
Trong mắt ba mẹ, SeSe thân thiện và thích giúp đỡ mọi người. Em tình nguyện hỗ trợ các bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Hartford, giúp nông dân nhập cư tạm từ các nước Trung và Nam Mỹ. Dạy học cho các em nghèo hay chậm phát triển của thành phố Mansfield gần trường đại học.
Vợ chồng giáo sư Liêm luôn dành thời gian đưa hai con đi đây đó, giúp chúng hiểu rõ mình muốn làm gì và có mục đích sống trong đời. SeSe hiện đi hết 47 bang ở Mỹ và đặt chân tới hơn 20 nước trên thế giới.
"Với chúng tôi, học giỏi hay không không quan trọng bằng việc con gái là người tốt và tử tế. Chúng tôi cũng muốn để lại cho con kiến thức và kinh nghiệm sống hơn là tiền bạc", giáo sư Liêm tâm sự.
(Theo VnExpress)