Cậu học trò người Thái giành học bổng hơn một tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/5/2023 | 2:25:48 PM

Mắc bệnh tan máu bẩm sinh phải ra Hà Nội điều trị hàng tháng, Vi Thanh Nhật vẫn luôn mang theo sách vở với quyết tâm thoát nghèo bằng con đường học tập.

Nhật trong buổi học chiều 12/5 tại trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhật trong buổi học chiều 12/5 tại trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vi Thanh Nhật, lớp 12A1, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An, vừa giành học bổng Trái tim Sư tử trị giá hơn một tỷ đồng của Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV). Với suất học bổng toàn phần, bao gồm học phí và phí sinh hoạt, em không phải đóng thêm chi phí nào trong ba năm đại học.

"Học bổng này giống như ánh sáng cuối đường hầm, giúp em thực hiện ước mơ học đại học. Em rất vui và bất ngờ", Nhật nói, cho biết dự định học ngành Tài chính kế toán.

Nhật biết kết quả vào một ngày đầu tháng 5, khi em vừa về phòng ký túc xá sau buổi học chiều. Người đầu tiên em báo tin mừng là cô giáo Lê Thị Lệ Hồng.

"Đọc tin nhắn 'cô ơi' của con, tôi đã đoán Nhật đỗ học bổng. Hai cô trò vỡ òa trong vui sướng. Nhật nung nấu giành học bổng này từ năm lớp 10", giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An, kể.

Cô Hồng cho hay Nhật thông minh, khả năng tự học tốt và có tố chất lãnh đạo. Suốt ba năm cấp ba, chàng bí thư lớp 12A1 đều đạt học lực loại giỏi và luôn trong nhóm học sinh top đầu của lớp dù tháng nào cũng đi viện.

"Đi viện từ nhỏ nhưng lúc nào trên môi Nhật cũng nở nụ cười lạc quan. Bạn ấy có tinh thần sống tích cực và năng nổ trong mọi hoạt động của trường, lớp", cô Hồng cho biết.

Bốn tuổi, cậu bé Nhật được phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia). Từ đó hàng tháng, em phải đến viện truyền máu và thải sắt trong máu 7-10 ngày. Mỗi lần nằm viện ở Hà Nội, chi phí ăn ở của Nhật tốn 3-4 triệu đồng. Bố mẹ ở quê không có thu nhập ổn định, chỉ trông chờ vào nông nghiệp nên từ khi hết lớp 6, Nhật đã tự bắt xe ra viện một mình để tiết kiệm chi phí.

Đi viện thường xuyên nên khi trở về, Nhật thỉnh thoảng bị bạn bè trêu chọc, nhiều lời nói tổn thương.

"Em không để ý. Em xác định không có con đường nào khác ngoài việc học để thay đổi số phận và thoát nghèo", Nhật nói.

Hết lớp 9, Nhật thi vào trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, lần đầu xa nhà từ huyện Thanh Chương xuống thành phố Vinh để theo học. Mỗi năm, Nhật chỉ về nhà 2-3 lần vào dịp lễ, Tết. Những đợt Nhật bệnh nặng, em được thầy cô ở trường đưa đi viện.

Lần nào nhập viện, em cũng mang theo sách tự học. Gặp bài khó, Nhật tự đọc sách, tìm hiểu kiến thức trên mạng trước khi hỏi thầy cô. Em tranh thủ học mọi lúc có thể, khi một tay đang có kim truyền hay buổi tối rảnh rỗi. Đó là cách em duy trì để việc học không bị ngắt quãng và bảo toàn được điểm số từ 8,4 trở lên suốt ba năm.

Nam sinh cho hay khoảng thời gian khó khăn nhất với em là sau mỗi lần đi viện về. Để đuổi kịp các bạn, em xác định phần kiến thức còn thiếu để học bù theo sách giáo khoa. Nhật cũng được bạn bè và thầy cô ở trường nội trú hỗ trợ, chỉ bảo bài vở.

"Nó ham học lắm. Thương con ốm, tôi bảo nghỉ ở nhà cho khỏe nhưng Nhật không chịu", chị Lương Thị Phương, mẹ Nhật, tâm sự.

Theo chị Phương, ngày nhỏ, Nhật mơ ước làm bác sĩ vì hay phải đi viện. Sau này thấy sức khỏe không đảm bảo, khó theo được ngành y nên Nhật muốn trở thành một kiểm toán viên. Bà mẹ cho hay con trai khao khát được học đại học nhưng gia đình nghèo nên Nhật quyết tâm giành học bổng.

Ngay khi vào cấp ba, Nhật đã tìm hiểu các trường đại học với tiêu chí cấp học bổng toàn phần, gần Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - nơi em điều trị. Trong hồ sơ ứng tuyển học bổng của BUV, chàng trai người Thái đã kể về hành trình của mình và ước muốn được đi học. Em cũng hy vọng lan tỏa câu chuyện của mình đến bạn bè ở quê hương, vùng đồng bào dân tộc và những cá nhân không may mắn về sức khỏe, nhằm thay đổi nhận thức về việc học.

"Nhiều người bảo em 'học làm gì, bệnh tật như này sau cũng có làm được gì đâu' nhưng em muốn thay đổi quan điểm này. Em vẫn có thể sống và cống hiến", Nhật nói.

Thư viết và hoàn thành trong một tháng, sau đó được một giáo viên tiếng Anh trong trường giúp chuyển ngữ sang tiếng Anh.


Nhật tham gia tình nguyện tại một sự kiện ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhận được thư mời phỏng vấn khi đang ở viện, Nhật phải xin phép bác sĩ dừng điều trị để đến trường. Nam sinh khá căng thẳng vì là người đầu tiên được gọi vào phỏng vấn nhưng sau đó dần tự tin khi thể hiện được mong muốn và năng lượng của mình. Trong các câu hỏi, Nhật ấn tượng với câu về bức tranh tổng thể của em sau 5 năm nữa.

"Em nói muốn trở thành một hình tượng truyền cảm hứng", Nhật cho hay.

Giành học bổng để vào trường quốc tế, Nhật lo nhất về tiếng Anh. Em dự định thi xong tốt nghiệp sẽ tập trung học để cải thiện trình độ.

"Hành trình em đã qua gian nan nhưng khi nhìn lại, em có thể mỉm cười và cảm ơn bản thân đã không ngừng cố gắng, không bỏ cuộc", Nhật nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Tuấn Minh là người Việt trẻ nhất lọt vào danh sách Forbes

Tuấn Minh, sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị Kinh doanh một trường ĐH tại Hà Nội, vừa được Tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách "30 Under 30 Asia".

Nguyễn Đắc Lê Bách, học sinh lớp 12 Chuyên Tin, trường THPT Hà Nội - Amsterdam, vừa đạt kết quả ấn tượng khi giành được học bổng 100% từ ĐH Sydney, Australia.

Nguyễn Đắc Lê Bách, học sinh lớp 12 Chuyên Tin, trường THPT Hà Nội - Amsterdam, vừa giành được học bổng 100% từ ĐH Sydney, Australia.

Viện Toán học của ĐH Stanford (Mỹ) đưa tin về TS Phạm Tuấn Huy và TS Jinyoung Park được trao giải thưởng Dénes König 2024.

Nhóm leo núi của Leader Bùi Đình Sơn chinh phục đỉnh núi Tà Xùa, huyện Trạm Tấu.

Đi du lịch nhưng không gây hại cho thiên nhiên, môi trường ở nơi mình đến, thậm chí còn để lại những tác động tốt cho địa phương; du lịch tại chỗ, tìm kiếm các chuyến du lịch với nhiều giá trị trải nghiệm hơn - đó chính là xu thế du lịch mà nhiều người trẻ đang hướng đến. Nắm bắt được xu hướng mới của giới trẻ cùng tiềm năng, lợi thế sẵn có, những người trẻ ở Mù Cang Chải đang mang tới “làn gió mới”, chắp cánh cho du lịch nơi vùng khó vươn xa…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục