Về xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) hỏi nhà anh Lê Văn Chinh (SN 1990), chủ trang trại nuôi chim bồ câu Pháp thì ai cũng biết. Bởi, trang trại này là điểm sáng tại vùng quê nghèo.
Học hết lớp 12, anh Chinh vào niền Nam làm công nhân. Với ý nghĩ nếu cứ như vậy cả đời cũng chỉ làm công nhân, sống trong cảnh ở thuê tạm bợ. Vì vậy, năm 2015, anh quyết định về quê lấy vợ và lập nghiệp.
Chinh đến với cơ duyên nuôi chim cũng rất tình cờ. Một lần, xem trên mạng thấy mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả cao, chi phí đầu tư lại thấp nên anh nghĩ rất phù hợp trong bối cảnh của mình bấy giờ.
"Trong người chẳng có đồng nào, tôi đi vay mượn người dân trong làng, mỗi người một vài trăm, tổng cộng được 35 triệu đồng. Tôi đầu tư xây chuồng trại và mua được 50 đôi chim giống”, anh Chinh nhớ lại.
Với số chim mua được, Chinh chăm như những đứa con của mình. Trong suốt 3 năm, anh không bán con nào mà chỉ lo phát triển đàn. Có thời kỳ, Chinh gần như kiệt sức vì vốn liếng không còn để mua thức ăn cho chim và xây thêm chuồng trại, vì số lượng đàn mỗi ngày một nhiều.
Sau 3 năm miệt mài chăm sóc, đến năm 2018, tổng đàn chim của anh đã lên đến 350 đôi. Anh bắt đầu bán ra thị trường, mỗi tháng thu về 15 triệu đồng. Có tiền, Chinh tiếp tục phát triển đàn.
Đến nay, trang trại nuôi chim của anh duy trì 1.500 đôi, cho thu nhập 40 triệu/tháng.
"Trong suốt 3 năm phát triển đàn không thu về một đồng nào, cả nhà tôi chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân của vợ. Nhiều lúc vợ tôi còn khuyên bỏ nghề để kiếm việc khác, nhưng vì đam mê nên tôi vẫn quyết tâm theo đuổi bằng được”, anh Chinh kể.
Thời gian tới, anh Chinh dự định mở rộng quy mô nuôi lên 3.000 đôi.
Anh Chinh tự ấp trứng để làm giống
Theo anh, giá chim bồ câu bán ra thị trường rất ổn định. Mỗi tháng, anh xuất khoảng 800-1.000 con chim thương phẩm. Với giá trung bình 75.000-80.000 đồng/con, trừ chi phí anh thu về khoản lãi khoảng 40 triệu đồng/tháng.
"Nuôi chim bồ câu Pháp không quá vất vả, nhưng phải thường xuyên theo dõi và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Thức ăn của chim chủ yếu là cám ngô, mỗi ngày ăn 2 lần. Đối với chuồng trại, phải đảm bảo ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè”, anh Chinh chia sẻ.
Cũng theo anh Chinh, chim bồ câu Pháp mái sau 5 tháng bắt đầu đẻ trứng, trung bình 4 ngày chim đẻ 2 trứng, mỗi con đẻ khoảng 8 lứa/năm. Để đảm bảo trứng ấp nở tối đa, phải sử dụng máy ấp.
Anh dự kiến mở rộng quy mô lên 3.000 đôi chim, duy trì mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 1.500 con trong thời gian tới.
Ông Hoàng Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng, cho hay, đã có nhiều hộ ở địa phương nuôi chim. Tuy nhiên, mô hình của gia đình anh Chinh có quy mô lớn nhất xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người trong xã đã tìm đến trang trại của anh để học hỏi kinh nghiệm.
(Theo Vietnamnet)