Thủ khoa kép say mê thí nghiệm Hóa học

  • Cập nhật: Chủ nhật, 9/7/2023 | 7:51:39 AM

Mạnh Tuấn có một góc làm thí nghiệm trong phòng khám của mẹ, thỏa sức khám phá bí ẩn của Hóa học và thích thú khi xem kết quả.

Nguyễn Mạnh Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Mạnh Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hơn một tuần sau khi biết đỗ chuyên Hóa lớp 10 của ba trường THPT Hà Nội – Amsterdam, chuyên Khoa học Tự nhiên và chuyên Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tuấn vẫn nguyên cảm giác lâng lâng vui sướng.

Trong đó, Tuấn còn là thủ khoa ở trường Ams và Khoa học Tự nhiên với điểm 45,95/50 và 27,25/30.

"Em vỡ òa vì đạt mục tiêu đỗ cả ba trường. Zalo của em hôm đó nổ tưng bừng tin nhắn chúc mừng", cựu học sinh lớp 9A, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhớ lại.

Tuấn nhìn nhận đề Hóa của ba trường năm nay có tính phân loại cao, nhất là đề của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Nam sinh không làm được câu cuối về Hóa hữu cơ nên đạt 9,1. Đề của hai trường còn lại cũng có một số câu rắc rối khiến Tuấn mất thời gian suy nghĩ song vẫn hoàn thiện kịp, giành điểm 10 ở chuyên Khoa học Tự nhiên.

Định hướng theo Toán từ nhỏ, Tuấn từng giành nhiều giải thưởng, huy chương trong các cuộc thi Toán, khoa học trong và ngoài nước hồi cấp hai. Năm lớp 8, theo chương trình, Tuấn mới bắt đầu học Hóa.

Một lần lướt Facebook, em tình cờ xem được video về phản ứng của Cu2+ và Cl-. Ban đầu, Tuấn nghĩ Cu2+ trong dung dịch có màu xanh lam nhưng sau khi xem thí nghiệm, em mới biết trong môi trường dư Cl- sẽ có phản ứng tạo phức: Cu2+ + 4Cl- => [CuCl4]2- màu xanh lục.

"Em rất bất ngờ và băn khoăn vì kiến thức đó chưa được học trên lớp. Em lên mạng tìm hiểu, sau một hồi mới hiểu ra và biết thêm kiến thức mới", Tuấn kể.

Tuấn nói say mê Hóa vì có những phản ứng kỳ diệu, không tuân theo quy luật nhất định. Vì thế, em dành nhiều thời gian tìm hiểu, học chăm chỉ môn này. Theo Tuấn, quan trọng nhất khi học Hóa là phải nắm vững lý thuyết, làm chắc bài tập sách giáo khoa trước rồi mới chuyển sang làm bài tập nâng cao hay đề thi các năm trước.

Gặp bài khó, Tuấn sẽ suy nghĩ kỹ, đọc đi đọc lại tới mức thuộc cả đề bài. Nếu chưa tìm ra lời giải, em mới kiểm tra đáp án. Tuấn kể không ít lần trăn trở với bài tập Hóa cả trong giấc ngủ. Hôm sau nghĩ ra cách làm, em cảm thấy như vừa chiến thắng chính mình.

"Em thường tưởng tượng đứng trước một người khác và cố gắng giải thích cho họ hiểu. Cách này nhằm biến những gì học được trong sách thành kiến thức của mình", Tuấn nói.

Khi đã nắm vững kiến thức, em tìm hiểu cách áp dụng vào giải bài tập và giải đáp những hiện tượng trong cuộc sống. Tuấn ví dụ về thuốc đau dạ dày. Nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là do sự tăng axit trong dạ dày. Trong khi đó, thành phần chính của thuốc giảm đau dạ dày là NaHCO3 (natri bicacbonate) là một muối có tính kiềm. Khi uống, thuốc sẽ trung hòa axit trong dạ dày, giúp giảm đau.

Theo Tuấn, tình yêu với Hóa học của em, ngoài sở thích cá nhân còn xuất phát từ truyền thống gia đình. Bố của Tuấn là giảng viên trường Đại học Y, Dược Hà Nội, còn mẹ là bác sĩ. Anh trai Tuấn cũng là sinh viên Y. Biết con thích Hóa, bố Tuấn là PGS. TS Dược học Nguyễn Mạnh Tuyển đã khuyến khích con, giúp Tuấn có một "phòng thí nghiệm" nhỏ.

"Tuấn thích làm thí nghiệm và hồi hộp chờ kết quả. Bạn ấy thường rối rít khoe mẹ sau khi thấy có sự thay đổi", chị Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ Tuấn, chia sẻ.

Theo chị Liên, con trai là người chỉn chu, tự giác, làm việc có kế hoạch và luôn đặt ra mục tiêu cho mình. Tuấn thường tự thuyết trình các thí nghiệm tự thực hiện bằng tiếng Anh và nhờ người thân quay lại. Video được quay tới khi nào ưng ý mới thôi.

"Con cầu toàn, luôn khát khao chinh phục. Để Tuấn không quá áp lực về kết quả, chúng tôi ghi nhận nỗ lực vượt lên bản thân của con và động viên cháu", chị Liên chia sẻ. Say mê học hành nhưng chị Liên nói con trai không thuộc tuýp "mọt sách" mà chơi cầu lông và piano giỏi.

Ở lớp 9A, Tuấn là một trong những học sinh nổi trội, theo thầy Nguyễn Đắc Thắng, chủ nhiệm lớp. Điểm trung bình học tập của Tuấn năm lớp 9 đạt 9,6. Nam sinh cũng giành giải nhì thi học sinh giỏi môn Hóa cấp thành phố năm 2023.

"Tuấn rất xuất sắc, là học sinh triển vọng khi vào cấp 3 của Hà Nội", thầy Thắng nói. Theo thầy, nhờ nền tảng Toán chắc chắn nên khi chuyển sang Hóa, Tuấn đã đạt kết quả cao. Ở lớp, Tuấn hài hước và hòa đồng với bạn bè. Em có mục tiêu xa cho việc học và thi học sinh giỏi cấp ba.

Tuấn sẽ tiếp tục hành trình ba năm tới ở ngôi trường mình đã gắn bó thời cấp 2.

"Em chưa có kế hoạch du học và dự định trở thành bác sĩ tương lai", Tuấn cho biết.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Nhóm leo núi của Leader Bùi Đình Sơn chinh phục đỉnh núi Tà Xùa, huyện Trạm Tấu.

Đi du lịch nhưng không gây hại cho thiên nhiên, môi trường ở nơi mình đến, thậm chí còn để lại những tác động tốt cho địa phương; du lịch tại chỗ, tìm kiếm các chuyến du lịch với nhiều giá trị trải nghiệm hơn - đó chính là xu thế du lịch mà nhiều người trẻ đang hướng đến. Nắm bắt được xu hướng mới của giới trẻ cùng tiềm năng, lợi thế sẵn có, những người trẻ ở Mù Cang Chải đang mang tới “làn gió mới”, chắp cánh cho du lịch nơi vùng khó vươn xa…

Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục