Chàng trai khuyết tật lái xe ba bánh phượt 32 tỉnh thành

  • Cập nhật: Chủ nhật, 10/9/2023 | 7:21:35 AM

Minh phượt bằng xe ba bánh qua 32 tỉnh thành trước sinh nhật như món quà tặng bản thân sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh khiến anh phải ngồi xe lăn.

Phan Vũ Minh và chiếc xe máy ba bánh dùng đi phượt.
Phan Vũ Minh và chiếc xe máy ba bánh dùng đi phượt.

Năm 12 tuổi, Phan Vũ Minh (32 tuổi, Vĩnh Long) được chẩn đoán là trường hợp thứ hai trên cả nước mắc căn bệnh dị dạng mạch máu tủy sống, hiện chưa có thuốc điều trị. Năm 20 tuổi, bệnh nặng hơn, Minh không thể đi lại và làm bạn với chiếc xe lăn từ đó. Anh phải gác lại việc học, rời TP HCM về quê nhà để bố mẹ hỗ trợ sinh hoạt.

Sau hơn 10 năm ngồi xe lăn, Minh đã quen với cuộc sống hiện tại và đang kinh doanh cây cảnh để có thu nhập. Năm 2017, anh thực hiện chuyến du lịch xa đầu tiên kể từ khi ngồi xe lăn đến Bạc Liêu và sau đó là các tỉnh, thành khác. "Chuyến nào ít thời gian thì tôi đi một tuần, dài hơn có khi cả tháng. Tôi muốn đi để chiêm ngưỡng, khám phá nhiều vùng đất mới, bù lại khoảng thời gian dài bị bệnh tật trói chân", Minh nói.

Phương tiện Minh sử dụng trong mỗi chuyến đi là chiếc xe máy ba bánh do một người bạn học cơ khí chế tạo. Ban đầu, bố mẹ anh lo lắng khi biết anh có ý định một mình đi du lịch xa. Nhưng do hiểu rõ quãng thời gian khó khăn của con trai, bố mẹ đã đồng ý để anh thực hiện mong muốn bị trì hoãn nhiều năm. Sau nhiều lần Minh trở về nhà an toàn với trạng thái tinh thần tích cực, bố mẹ anh hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ quyết định đi phượt của con.

Đầu tháng 7 năm nay, Minh thực hiện chuyến phượt xuyên Việt trước thềm sinh nhật tuổi 32 trong 20 ngày (3 - 23/7), qua 32 tỉnh thành. Đây là chuyến đi dài và xa nhất trong đời Minh. Vì cần có người hỗ trợ di chuyển, sinh hoạt hàng ngày, cháu trai là bạn đồng hành của Minh. Tuy nhiên, trong suốt hành trình, anh là người cầm lái.

Minh đã lên kế hoạch cho chuyến đi trước 3 tháng, từ lịch trình chi tiết, chỗ ăn nghỉ, quần áo, đồ dùng cá nhân đến bảo dưỡng xe. Sức khỏe là điều đặc biệt quan trọng khi đi phượt. Minh tập thể dục đều đặn mỗi ngày để có sức chiến đấu với bệnh tật và hoàn thành trọn vẹn chuyến đi đặc biệt này.

Xuất phát từ Vĩnh Long, Minh di chuyển đến TP HCM, men theo cung đường ven biển đến Hà Nội. Sau đó, anh đến các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên trước khi trở về quê nhà.

"Có lẽ do đã mất nhiều năm tự thu mình trong giới hạn của bản thân, nên khi ra ngoài, tôi yêu thích tất cả những nơi mình đi qua. Đồi núi, biển cả, sông nước, nắng và gió ở cao nguyên hay đồng bằng đều mang vẻ đẹp riêng. Ẩm thực cũng vô cùng phong phú và mang hương vị đặc trưng của mỗi miền", anh nói.

Điều khiến Minh xúc động là khi đến bất cứ đâu, anh cũng nhận được nhiều tình cảm, sự giúp đỡ của người dân địa phương. Có những bữa ăn chủ quán không lấy tiền, có người tặng nước mang đi.

Sự kiện đáng nhớ với Minh là khi gặp sự cố nghiêm trọng lúc đổ đèo ở Hà Giang. Đèo dốc cao, một bên là vực thẳm, chiếc xe lao xuống với tốc độ nhanh nên Minh phải bóp phanh liên tục dẫn đến mất phanh. Với kinh nghiệm đi phượt nhiều năm, Minh đã xử lý được tình huống đó. Để xuống dốc an toàn, chạy một đoạn, anh lại dừng xe, dùng chai hứng nước chảy từ khe núi để đổ vào động cơ, vào cụm phanh để làm nguội rồi mới đi tiếp.

Khi Minh đến thị trấn Đồng Văn, một người nhận ra anh thông qua tin tức, mạng xã hội đã làm giúp một thùng nước mát dẫn xuống cụm phanh để tản nhiệt, chống mất phanh. Nhờ vậy, quãng đường sau đó Minh di chuyển thoải mái và an toàn hơn. "Dù chỉ là những người xa lạ nhưng tình cảm, sự giúp đỡ nhiệt tình của họ khiến tôi cảm thấy ấm lòng", anh nói.

Minh cũng gặp phải một số khó khăn như buồn ngủ khi chạy xe đường dài, cơ thể mệt mỏi khi di chuyển lâu ngoài trời nắng, mưa. Đặc biệt, anh không thể ngồi nhiều để tránh phần cơ thể bên dưới bị loét nên phải tính toán thời gian di chuyển hợp lý, tìm chỗ trải thảm tạm nghỉ.

Chi phí cho chuyến đi khoảng 30 triệu đồng. Do mục đích chính là đi phượt nên việc ăn uống, ngủ nghỉ khá đơn giản. Minh thường chọn các quán ăn dọc đường để không phải di chuyển nhiều, nghỉ lại những khách sạn, nhà nghỉ có thể ngắm cảnh vật thiên nhiên vào sáng hôm sau. Anh hạn chế lái xe vào buổi tối, nhất là những lúc phải qua đèo núi hay những đoạn đường gập ghềnh.

Khi bước chân đến những vùng đất mới, ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc hay vẻ đẹp lãng mạn của những dải đất ven biển, anh cảm thấy sự cố gắng, quyết tâm thực hiện chuyến đi của mình được tưởng thưởng xứng đáng.


Chuyến đi đầu tiên đến Bạc Liêu của Minh năm 2017.

Minh hy vọng có thể lan tỏa năng lượng tích cực tới những người có cùng hoàn cảnh, mang đến cho họ cái nhìn khác về cuộc sống. "Tôi không ngồi im chấp nhận sự thiệt thòi. Tôi muốn chứng minh rằng dù khuyết tật nhưng mình vẫn có thể làm bất cứ việc gì miễn là có đủ đam mê và dũng cảm", Minh nói.

Minh đã đặt chân đến 45 tỉnh thành trên cả nước. Anh đặt mục tiêu lấy bằng lái quốc tế để tự lái xe qua Campuchia thăm một người bạn từng cùng điều trị phục hồi. "Nhưng trước tiên, tôi sẽ tiếp tục khám phá hết dải đất hình chữ S của Việt Nam", Minh nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Nhóm leo núi của Leader Bùi Đình Sơn chinh phục đỉnh núi Tà Xùa, huyện Trạm Tấu.

Đi du lịch nhưng không gây hại cho thiên nhiên, môi trường ở nơi mình đến, thậm chí còn để lại những tác động tốt cho địa phương; du lịch tại chỗ, tìm kiếm các chuyến du lịch với nhiều giá trị trải nghiệm hơn - đó chính là xu thế du lịch mà nhiều người trẻ đang hướng đến. Nắm bắt được xu hướng mới của giới trẻ cùng tiềm năng, lợi thế sẵn có, những người trẻ ở Mù Cang Chải đang mang tới “làn gió mới”, chắp cánh cho du lịch nơi vùng khó vươn xa…

Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục