Gió mùa

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/1/2011 | 9:04:11 AM

Chiều nao, trời tự dưng trở lạnh. Bố tôi bảo gió mùa đông bắc về rồi đấy! Có nghĩa là trời đã trở đông.

Mẹ lôi trong tủ ra một bọc quần áo cũ. Nào là áo len, áo mút, áo gió... cả những chiếc áo khoác lỗi mốt dày cồm cộm. Mẹ bảo tuy có cũ nhưng vẫn còn ấm chán, chả hơn là chịu lạnh. Thế là chỉ chờ trời nắng, mẹ mang tất cả đống quần áo ấy ra như thách thức: Này, mùa đông kia! Ta sẵn sàng đón ngươi rồi đấy.

Mẹ kể, ngày mẹ về làm dâu nhà ông nội, mỗi mùa đông là một mùa khốn khổ vì lạnh và đói. Ngày ấy, nhà ông nội còn nằm ổ chuối. Cụ tôi lúc ấy đã ngoài bảy mươi cứ kỳ mài ngồi bện những cái ổ bằng lá chuối khô để tối tối, những đứa cháu chen nhau rúc vào lục tìm hơi ấm.

Khi tôi lên chín lên mười, nhà ông nội không phải nằm ổ lá chuối nữa nhưng cụ vẫn lót lá chuối dưới chiếu. Cụ bảo nằm chiếu không đau người, với lại cụ quen mùi lá chuối rồi, mùa đông mà không ngửi thấy mùi lá chuối khô khi ngủ là y như rằng cụ thấy bồn chồn thế nào ấy.

Cũng như có những cụ già một đời quen đi đất, giờ có thêm cái dép dưới chân lại thấy vướng víu, ngượng nghịu. Hay bởi đôi dép đã ngăn mất cái mạch máu chảy từ tim người tới đất mẹ - nơi đã nâng đỡ những đôi chân một đời lấm đất trong cuộc vật lộn với miếng cơm manh áo?

Nhà tôi đã qua cái thời nhà tranh vách đất, cũng như bao gia đình ở cái đất này đã bớt đi trăm phần khốn khổ khi mùa đông tới. Nhất là khi gió mùa đông bắc tràn về. Lạnh buốt. Mà cái thói của mùa đông là cắt da người bằng gió và thẩm thấu cái lạnh vào tận tim gan người ta bằng mưa. Mưa dầm. Mưa dai. Mưa đến thối đất thối cát.

Cái lạnh của mùa đông Yên Bái thì không thể lẫn vào đầu được, không bao giờ quên được. Nhớ hồi còn học ở Quy Nhơn, mỗi mùa đông đến, gió từ ngoài biển thổi vào làm những tấm bạt chắn gió trước khu nhà trọ gào lên nghe phần phật.

Gió tạt trên con đường đến trường mỗi chiều tan học tưởng như có thể thổi bay người ra biển cả mênh mông. Thế mà tôi vẫn an toàn trải suốt mấy mùa đông nơi đất khách quê người. Gió có gào thế, gào nữa cũng chỉ bằng cái lướt nhẹ của gió mùa nơi đất Bắc. Tất nhiên là vẫn lạnh, nhưng đó là cái lạnh của những ngày thèm khát một bữa cơm gia đình, của nỗi nhớ nhà, nhớ những cơn gió mùa đau đáu, khắc khoải.

Trời trở đông, người ta giấu mình trong những chiếc áo mùa đông ấm áp. Mùa đông bỗng trở thành mùa trưng diện tuyệt vời. Thế nhưng, vẫn còn đó những đôi môi tím tái, những thân mình run run theo từng đợt gió, những bàn tay lạnh buốt, những đôi chân không giầy. Mùa đông vẫn là nỗi ám ảnh. Gió mùa vẫn thổi tái tê.

* * *

Bố tôi ngắt cầu dao điện, thả mỏ hàn xuống rồi phủi phủi hai tay vào nhau cho bớt bụi, gọi to:

-Phong ơi! Pha cho bố ấm nước.

Tôi vâng dạ rồi đứng dậy cầm ấm pha trà. Bố tôi ngả lưng trên ghế dựa, mồ hôi lăn trên khuôn mặt sạm đi vì khói hàn. Ngoài trời, gió và mưa bụi đuổi nhau chới với. Hình như lại đến đợt rét đậm...

Kỳ Phương

Các tin khác
Khoảnh khắc học sinh Việt Nam được vinh danh

Sau 12 năm, kể từ khi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức trên phạm vi cả nước và tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế từ năm 2012 đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải nhì.

Tuấn Minh là người Việt trẻ nhất lọt vào danh sách Forbes

Tuấn Minh, sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị Kinh doanh một trường ĐH tại Hà Nội, vừa được Tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách "30 Under 30 Asia".

Nguyễn Đắc Lê Bách, học sinh lớp 12 Chuyên Tin, trường THPT Hà Nội - Amsterdam, vừa đạt kết quả ấn tượng khi giành được học bổng 100% từ ĐH Sydney, Australia.

Nguyễn Đắc Lê Bách, học sinh lớp 12 Chuyên Tin, trường THPT Hà Nội - Amsterdam, vừa giành được học bổng 100% từ ĐH Sydney, Australia.

Viện Toán học của ĐH Stanford (Mỹ) đưa tin về TS Phạm Tuấn Huy và TS Jinyoung Park được trao giải thưởng Dénes König 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục