Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng việt nam (21/6/1925 - 21/6/2015)

Những điều khó quên về nghề báo

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/6/2015 | 9:44:04 AM

YênBái - YBĐT - Tôi trở thành thành viên của “làng báo” bởi sự đam mê. Khi còn là cộng tác viên, trong một lần đi công tác cơ sở, tôi đã rất xúc động khi thấy mấy em người Dao đỏ ở xã Mỏ Vàng (Văn Yên) vừa chăn trâu, vừa tắm suối Thia. Khi máy bay Mỹ ào đến, các em vội lùa trâu xuống suối đằm để bảo vệ đàn trâu hợp tác xã. Máy bay địch đi xa, các em lên những tảng đá to vẽ lên đó hình máy bay Mỹ bốc cháy…

 Mong ước của các em làm rung động trái tim tôi và tôi về thức trắng đêm viết lại câu chuyện về lòng yêu nước thật giản dị như thế của mấy em bé người Dao. Bài báo được đăng trên Báo Yên Bái, là lần đầu tiên tôi cộng tác thành công vào cuối năm 1965. Tôi giữ tờ báo có bài của mình như một báu vật và điều đó giúp tôi hiểu tấm lòng, tình cảm của người viết để 30 năm sau, khi trở thành Tổng biên tập, tôi luôn trân trọng và có chính sách khuyến khích cộng tác viên như có một khoản “phụ cấp” ổn định khoảng 200.000 đồng/tháng cho một số cộng tác viên “ruột”, cộng tác đắc lực và tin cậy. Số tiền không lớn nhưng rất có ý nghĩa, bởi lúc đó nhuận bút một bức ảnh chỉ 3.000 đồng, tin chỉ 10.000 -15.000 đồng.

Do đó, Báo Yên Bái lúc nào cũng có khoảng 200 cộng tác viên “ruột” ở các lĩnh vực, các địa bàn, bảo đảm phản ánh mọi sự kiện, bởi nhanh đến đâu cũng không bằng tại chỗ. Hàng ngày, tôi còn dành thời gian đọc lại tất cả những tin, bài cộng tác viên gửi đến mà tòa soạn cho là không hoặc khó sử dụng được để lựa lọc, sửa chữa và có khi bài rút thành tin, mẩu chuyện để đăng. Điều đó làm cho các cộng tác viên cảm động và càng gắn bó với Báo Yên Bái. Tôi cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn trả nhuận bút công bằng, chú trọng thể loại, giá trị của tin, bài chứ không theo cảm tính ngắn trả ít, dài trả nhiều bởi có loại bài rất ngắn nhưng là thể loại khó hoặc vấn đề có tính phát hiện, có giá trị chỉ đạo chung không thể đánh giá bằng số lượng chữ.

Trong nghề làm báo, tôi còn học được sự đòi hỏi rất nghiêm túc ở người cầm bút là sự cẩn thận, các nhà báo đàn anh như: Hữu Thọ, Trần Minh Tâm, Hà Đăng… Khi truyền nghề cho chúng tôi đều nhấn mạnh: cẩn thận, cẩn thận nữa cũng không thừa, có loại việc sợi tóc chẻ làm tư thì nghề báo phải “sợi tóc chẻ làm tám”. Biết vậy, mà trong quá trình làm vẫn vấp phải không ít tai nạn nghề nghiệp. Công việc của tổng biên tập là duyệt bài trước khi cho in và đọc lại toàn bộ khi báo phát hành, rồi sáng đến cơ quan nghe điện thoại réo thì nhắc ống nghe lên để nghe xem có ai “phản ứng” gì với những tin, bài báo vừa đăng không? Viết xuôi dòng cả, không đụng chạm đến ai thì dễ, thậm chí khen quá người ta cũng hơi đỏ mặt nhưng không ai cãi, nhưng chê hoặc phê phán, nhắc nhở dù đúng họ vẫn cự lại, miễn cưỡng tiếp thu. Có lẽ bản tính thích khen hơn chê ở con người là thế nên chuyện ấy cũng bình thường, nhưng đó là điều đòi hỏi chúng ta, những người cầm bút phải hết sức thận trọng.

Thật là khó, phải không các bạn? Luật Báo chí yêu cầu phản ánh của nhà báo phải chính xác, đúng cả bản chất và hiện tượng, sự việc xảy ra, trong khi thực tế các ngành khối nội chính có cả một bộ máy, phương tiện, nghiệp vụ bài bản mà có khi còn sai sót. Vậy mà, nhà báo chỉ “đơn thương, độc mã” có cây bút và trang giấy cùng với trí tuệ của mình mà đòi hỏi phải phản ánh chính xác mọi sự kiện một cách nhanh nhất là điều không dễ dàng, nhưng khó cũng phải làm. Để làm được điều đó, trước hết phải xuất phát từ động cơ viết, kể cả phê phán cũng là để xây dựng, từ cái tâm trong sáng như nhà báo Hữu Thọ nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân nói “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thì sẽ hạn chế được tối đa những sai sót.

Bên cạnh đó, phải kể đến sự cẩn thận và nên nhấn mạnh: nghề báo là nghề cẩn thận. Kỷ niệm trong đời làm báo đã để lại cho tôi biết bao chuyện… cười ra nước mắt! Ấy là, khi ở Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn, trong một phiên khai mạc kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh, chúng tôi đã phải xin bác Đỗ Khắc Cương - Chủ tịch UBND tỉnh “khai mạc lại”! Số là lúc ghi âm bài khai mạc, chúng tôi sơ ý không kiểm tra, pin không tiếp xúc, khi giải lao kiểm tra lại không thấy tín hiệu, thành ra đành báo cáo thật và mời chủ tịch vào phòng khách để “khai mạc lại”.

Còn ở Báo Yên Bái cũng có câu chuyện anh T khi vào nhà in dựng báo (lúc đó chưa có máy tính như bây giờ) nên số lượng chữ đếm chỉ là tương đối, tòa soạn bao giờ cũng phải có vài mẩu chuyện loại “người tốt việc tốt” đăng lúc nào cũng được làm “lương khô” để nếu thừa “đất” thì chen vào cho đủ. Thế là lần ấy thư ký tòa soạn đưa câu chuyện “Suốt đời yên tâm với nghề chăn bò” nói về một người tận tâm chăm sóc đàn bò hợp tác xã. Hơn tuần sau, tòa soạn nhận được thư cảm ơn của gia đình người được nêu gương, trong thư viết rằng: “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn tòa soạn đã biểu dương cha tôi và chắc cha tôi ở nơi chín suối cũng mát lòng bởi ông đã mất từ hơn một năm rồi vẫn được báo khen!”.

Kể lại những câu chuyện này, để thấy kể cả khen cũng có khi vô duyên chứ không phải cứ khen thì không sợ sai bởi công chúng rất công bằng, dân họ biết cả, ai đáng khen, ai đáng chê, nếu khen chỗ không đúng khen thì chúng ta sẽ đánh mất niềm tin của độc giả đối với báo. Khi chúng tôi đi học nghề, các thầy thường nói “Báo Đảng là người bạn đáng tin, đài là người bạn đáng yêu, báo ngành, đoàn thể là người bạn tâm giao tri kỷ”.

Nói như thế, bởi báo Đảng chủ yếu thông tin chính thống nên phải có độ tin cậy cao. Đài còn thêm phần văn nghệ nên mượt mà đáng yêu, còn các báo khác phải đi sâu vào tâm hồn bạn đọc xẻ chia nỗi niềm như những người tri kỷ, phải chăng đó cũng là tôn chỉ và mong muốn đạt tới của mỗi loại hình báo chí. Trở lại với tờ báo của ta: Là cơ quan ngôn luận của Đảng và chính quyền, là diễn đàn của nhân dân nên đòi hỏi phải đảm bảo tính chính xác rất cao, bởi “một sự bất tín, vạn sự khó tin” nên giữ được niềm tin của công chúng là một yêu cầu rất cao của báo Đảng.

Hôm nay, chúng ta làm báo trong điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây, cùng lúc với sự kiện xảy ra ở một nơi rất xa có thể truyền tin, bài, ảnh màu về ngay tòa soạn. Nhanh như vậy, càng phải cẩn thận bởi tòa soạn trông cậy cả vào phóng viên, để thông tin kịp thời có khi tòa soạn cũng không có điều kiện kiểm tra, xác minh mà chủ yếu do phóng viên tự chịu trách nhiệm. Rất mừng là những sai sót không nhiều, nhưng không phải đọc mỗi bài báo không còn “sạn”.

Mới đây thấy có bài phóng viên mô tả: “Anh rất vui mừng vì con bò được hỗ trợ theo chương trình cho hộ nghèo được anh nuôi nấng cẩn thận đến nay đã cho ra đời một chú nghé con”. Sự thật là bò chỉ đẻ ra bê, trâu mới đẻ ra nghé mà viết như vậy người đọc biết là phóng viên nhầm, như thế là chưa cẩn thận. Hoặc có bài viết hoặc phỏng vấn cấp huyện cũng nói: “Huyện có chính sách giúp hộ nghèo” là sai bởi huyện không phải cấp ra chính sách; hoặc viết về vùng đồng bào công giáo mà chỗ nào cũng gọi là “giáo xứ” là chưa hiểu đầy đủ về tôn giáo…

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ thầy, nhớ bạn, với biết bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Xin lựa chọn một vài kỷ niệm, suy tư giãi lòng cùng các bạn đã và đang cầm bút, hy vọng được sẻ chia với các bạn đồng nghiệp đôi điều về một nghề vinh quang nhưng cũng hết sức khắt khe này.  

Nguyễn Thanh Vân

Các tin khác

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Yên Bái xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022). Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo định hướng công tác tuyên truyền đối với báo Yên Bái trong giai đoạn hiện nay. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022).

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái xuất bản số đầu tiên mang tên Cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái, nay là Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Yên Bái, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Yên Bái. Ngày 5/11/1962 đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng, khẳng định vị thế của Báo Yên Bái hòa cùng hệ thống báo các đảng bộ địa phương để mở ra chặng đường phát triển mới của báo Đảng địa phương trong cả nước.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Dương Văn Thống cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn nút ra mắt giao diện trang Tiếng Anh trên Báo Yên Bái Online năm 2020.

Từ khi tái lập Báo Yên Bái năm 1991, nhiều thế hệ lãnh đạo Báo Yên Bái đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn đồng hành, tin tưởng và kỳ vọng Báo Yên Bái tiếp tục khai thác, phát huy vai trò, thế mạnh của mình qua việc thông tin khách quan, trung thực, chính xác, góp phần định hướng dư luận, giữ vững vị trí của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục