Khó khăn đào tạo nghề ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2015 | 2:52:02 PM
YênBái - YBĐT - Thiếu giáo viên thỉnh giảng, thiếu trang thiết bị giảng dạy, nhu cầu học nghề của lao động thấp… là những khó khăn trong việc nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tạo việc làm sau khi học nghề ở huyện Mù Cang Chải…
Thầy Trần Quốc Bình (bên trái) đang hướng dẫn học viên lớp sửa chữa xe máy.
|
Trao đổi việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm gần đây, ông Vũ Xuân Hải - Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải không khỏi băn khoăn: “Thiếu nhà xưởng phục vụ cho giảng dạy, chưa có nhà ở bán trú cho học viên, các nghề phi nông nghiệp muốn mở lớp đều phải chuyển máy móc thiết bị đến tận thôn bản và phải nhờ vào hội trường thôn, nhà cộng đồng để giảng dạy. Đường xá đi lại vô cùng khó khăn do núi cao hiểm trở, nhất là vào mùa mưa, trong khi giáo viên thỉnh giảng của Trung tâm đang thiếu 2 người, nên nếu mở lớp thì phải thuê giáo viên ở Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Phú Thọ hay các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Công tác tuyển sinh, Trung tâm phải lên các xã, thôn bản tuyên truyền vận động. Hàng năm, kế hoạch mở lớp thì đủ, nhưng học sinh các lớp thì thiếu, nhiều trường hợp tham gia học được vài buổi rồi bỏ…”.
Đến thăm lớp học nghề sửa chữa xe máy tại xã La Pán Tẩn và lớp có 12 học viên đều là người của xã. Tại đây, chúng tôi đã gặp anh Trần Quốc Bình - một giáo viên kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần được Trung tâm mời lên giảng dạy tại huyện Mù Cang Chải. Nói về công tác giảng dạy, anh Bình cho biết: các học viên ở đây tiếp thu khá nhanh, chỉ cần vài lần thao tác là mọi người có thể lắp ráp được. Bởi vậy, những lớp sửa chữa xe máy chỉ cần 2 tháng là đủ chứ không cần 3 tháng theo quy định như hiện nay…”.
Học viên Lý A Lù, ở bản Pú Nhu cho biết: “Tôi học được gần 2 tháng rồi, thầy Bình giảng rất dễ hiểu. Học xong tôi sẽ mở cửa hàng sửa chữa xe máy tại nhà để có việc làm và thu nhập cho bản thân…”. Khác với Lù, học viên Lý Sông Dê, ở bản Háng Sung cho biết: “Mình học để trước tiên là biết sửa xe máy cho bản thân và anh em họ hàng, chứ chưa có ý định mở cửa hàng vì còn phải giúp bố mẹ nhiều việc gia đình…”.
Là trung tâm dạy nghề, được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đào tạo gồm có 8 nghề: sửa chữa thiết bị máy nông cụ, rèn, kỹ thuật xây dựng, sửa chữa xe máy, chăn nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng nấm và kỹ thuật nuôi ong mật. Từ năm 2011 đến nay, kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy được Trung tâm được đầu tư trên 2 tỷ 554 triệu đồng gồm: thiết bị dạy nghề máy nông cụ, thiết bị dạy nghề trồng nấm, thiết bị sửa chữa xe máy… Hàng năm, Trung tâm mở khoảng 5 lớp sơ cấp nghề cho trên trăm học viên và 10 lớp dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho khoảng 300 học viên. Hiện nay, việc dạy nghề ở đây đang rơi vào tình cảnh “thiếu thầy, thiếu thợ”.
Thiếu thầy là thiếu giáo viên cơ hữu để đào tạo mở mới lớp theo kế hoạch. Thiếu thợ, là do nhận thức của người dân với công tác đào tạo nghề còn hạn chế. Vì vậy, 5 năm gần đây, số học sinh tham gia học nghề chưa năm nào Trung tâm hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Một khó khăn nữa là sau khi hợp đồng mở lớp, Trung tâm chỉ được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng nên khó khăn cho công tác chi trả tiền ăn cho học viên và cho việc mua vật tư thực hành trong giảng dạy. Những yếu tố trên đã tác động không nhỏ đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện hiện nay chỉ đạt 27%, thấp nhiều hơn so với kế hoạch đề ra.
Trước thực trạng này, huyện Mù Cang Chải đang đưa ra nhiều giải pháp thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề như: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dạy nghề; tìm việc làm cho người học nghề sau đào tạo; tăng cường hướng nghiệp về nghề cho học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông; chú trọng liên kết đào tạo nghề với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động theo những ngành nghề phù hợp với lao động địa phương.
Phong Sơn
Các tin khác
Tin từ Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 62 của Chính phủ về chính sách mới đối với lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc làm việc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1-9-2015 đến 31-12-2015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35 Nghị định 95 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Lao động Việt Nam đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài nói chung và tại Hàn Quốc nói riêng nếu tự nguyện về nước trong thời gian từ 1/9-31/12/2015 sẽ không bị xử phạt hành chính.
Bộ Lao động Thái Lan dự kiến, sẽ tiến hành đăng ký hợp pháp hóa cho lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan bắt đầu từ ngày 1/9.
YBĐT - Tại cuộc họp đầu tháng 8 năm 2015 giữa UBND tỉnh với các huyện, thị, thành phố về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thấy, công tác dạy nghề hiện nay còn nhiều tồn tại, yếu kém như: tỷ lệ đào tạo nghề đạt thấp, số lao động sau học nghề không làm đúng với nghề đào tạo, người học nghề chưa thoát nghèo, cán bộ giáo viên dạy nghề còn thiếu kinh nghiệm về giảng dạy… đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dạy nghề đề ra.