Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) được ngành giáo dục Văn Yên đẩy mạnh những năm qua là xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, bảo đảm tất cả trẻ em đều được tạo cơ hội học tập, vui chơi phù hợp nhu cầu.
Trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, làm việc theo nhóm để được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến, biết suy nghĩ và vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống gặp phải.
Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực, chủ động, tư duy, sáng tạo, thích thú tìm tòi, khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động ở trường, lớp…
Nhiều trường mầm non đã thực hiện tốt việc xây dựng môi trường giáo dục, phù hợp đặc thù văn hóa địa phương đáp ứng được nhu cầu hứng thú của trẻ; thiết kế môi trường trong và ngoài lớp học một cách sáng tạo; giáo viên tích cực làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho hoạt động học tập, vui chơi của trẻ.
Việc triển khai thực hiện chương trình GDMN đã đi vào nề nếp, các đơn vị đã chủ động tăng cường bổ sung, nâng cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, các điều kiện để phục vụ cho công tác dạy và học; chương trình dạy lớp ghép được thực hiện ở các lớp mẫu giáo có các độ tuổi khác nhau và thực hiện đảm bảo phát triển Chương trình GDMN gắn với điều kiện thực tiễn vùng miền một cách phù hợp.
Đồng thời, các trường tạo điều kiện để phụ huynh tham gia vào hoạt động của trường, lớp, thông tin kịp thời đến gia đình về những tiến bộ hoặc những hạn chế, khuyết điểm của trẻ.
Hiện nay, toàn huyện có 30 cơ sở GDMN, trong đó có 26 trường mầm non độc lập, 1 trường gắn với TH&THCS, 3 cơ sở mầm non tư thục, duy trì 323 nhóm, lớp.
Để đảm bảo công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, ngành giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) huyện đã tham mưu cho huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tới các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Do đó 100% các xã đều huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN đạt 99,9%.
Có thể khẳng định, huyện đang có mạng lưới trường, lớp GDMN thuận lợi, an toàn đảm bảo cho đưa, đón trẻ, đủ điều kiện thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Mặt khác, ngành GD-ĐT huyện Văn Yên còn chú trọng công tác bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên, trong đó trọng tâm bồi dưỡng thực hiện chương trình GDMN sau chỉnh sửa, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, chú trọng đến việc phát triển chương trình, các hoạt động thực hành, nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục theo quan điểm "Lấy trẻ làm trung tâm” tích hợp nội dung nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng luôn được quan tâm và chú trọng triển khai thực hiện ở các cơ sở GDMN, đảm bảo đúng quy chế chuyên môn. 100% đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục, dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”; 100% các trường thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ.
Ngành thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác chăm sóc, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ như: thường xuyên rà soát kiểm tra đồ dùng, đồ chơi trang thiết bị trong lớp và ngoài trời, chú trọng việc quản lý trẻ trong thời gian ở trường tránh xảy ra tai nạn, bạo hành trẻ. Thực hiện đảm bảo 100% trẻ đến trường được theo dõi sức khỏe qua biểu đồ và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Việc tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ được đảm bảo về an toàn thực phẩm và đảm bảo các quy trình quản lý nguồn gốc lương thực, thực phẩm.
Năm học 2019-2020, toàn huyện đã tổ chức 100% nhóm, lớp ăn và trẻ ăn bán trú tại trường. Đến hết học kỳ I, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 10,9%, so với đầu năm học giảm 2,8%; thể thấp còi 8,8% so với đầu năm học giảm 2,7%.
Thực hiện chương trình sữa học đường, các trường đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về sự cần thiết của việc bổ sung sữa và các thực phẩm từ sữa vào thực đơn hàng ngày cho trẻ; tổ chức cho trẻ uống sữa theo nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh học sinh.
Các đơn vị tổ chức cho học sinh uống sữa đã liên hệ và ký hợp đồng cung cấp với các hãng sữa uy tín dưới sự giám sát của UBND xã, thị trấn. Đến nay, có 25/27 cơ sở GDMN công lập và 2 cơ sở mầm non ngoài công lập tổ chức cho trẻ uống sữa.
Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng GDMN, thời gian tới, ngành GD-ĐT huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục hoàn thiện cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đồ dùng, đảm bảo đủ điều kiện cho việc dạy và học; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; góp phần tạo sự phát triển vững chắc của bậc học mầm non.
Minh Tư