Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS. THPT trên địa bàn toàn tỉnh tạm nghỉ học từ đầu tháng 2. Ở lĩnh vực giáo dục, có thể nói, khó khăn lớn nhất chính là hệ thống trường tư thục, trong một thời gian ngắn bỗng chốc mất nguồn thu, giáo viên ở vào tâm trạng thấp thỏm đợi chờ.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Huệ, thành phố Yên Bái cho biết: "Nhà trường hiện có 11 lớp, với 35 cán bộ, giáo viên. Trong thời gian nghỉ học, nhà trường cũng đã tổ chức công tác sinh hoạt chuyên môn, vệ sinh đồ dùng học tập, trường lớp học, rồi tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh... cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ học kéo dài nên nhà trường cho giáo viên nghỉ không lương".
Nghỉ học kéo dài nguồn thu của nhà trường giảm nên cũng gặp rất nhiều khó khăn, không có kinh phí để có thể trả lương cho giáo viên mà chỉ có thể hỗ trợ đóng bảo hiểm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong thời gian nghỉ dạy. Trước tình hình dịch bệnh và giá cả thị trường leo thang, đồng lương của cán bộ, giáo viên tư thục vốn đã ít ỏi, phải co kéo mới đủ chi phí, trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nay lại nghỉ dạy không có lương khiến cuộc sống càng khó khăn hơn.
Trước những khó khăn đó, nhiều giáo viên đã tìm việc làm thời vụ trong thời gian tạm nghỉ việc. Một số giáo viên có kết nối với phụ huynh nhận giữ trẻ tại nhà với mức thu nhập thỏa thuận hay tìm việc làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Cô N.T.N., giáo viên mầm non một trường tư thục ở thành phố Yên Bái cho biết: "Ngay sau khi có thông báo nghỉ học, cô được một phụ huynh nhờ giữ hai bé, trong đó một bé là học sinh của cô, để họ đi làm. Hàng ngày, phụ huynh đưa trẻ đến nhà để cô chăm sóc lo chuyện ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi cho hai bé. Hiện tại trường nghỉ học nên cô cũng như các đồng nghiệp khác không biết có lương hay không, nhà trường chưa có thông báo chính thức. Cũng như cô N, nhiều đồng nghiệp của chị ở trường cũng nhận trông trẻ tại nhà để kiếm thêm thu nhập trong đợt tạm "thất nghiệp”.
Ông Hoàng Xuân Long ở tổ 9, phường Minh Tân chia sẻ: "Tôi có đứa cháu nội, năm nay đang học lớp 5 tuổi tại Trường Mầm non Minh Huệ, thành phố Yên Bái, do bố mẹ cháu đi làm ở xa nên gửi ông bà nội mà vợ chồng tôi thì vẫn đang công tác. Khi chưa có dịch, vợ chồng tôi thay nhau đưa đón cháu đi học nhưng từ hôm phải nghỉ học đến nay, chúng tôi gửi cháu cho cô giáo trông tại nhà, mỗi ngày gửi cô 100.000 đồng cả tiền công và tiền ăn trưa của cháu, chiều mới đón về. Nhờ đó mà chúng tôi khá yên tâm và cũng đỡ bối rối trong tình hình dịch bệnh còn căng thẳng như hiện nay”.
Cô giáo N.T.M cho hay: "Giáo viên mầm non tư thục thu nhập thấp, trong khi hầu hết các cô giáo còn phải gánh chi phí tiền nhà trọ, sinh hoạt rất cao nên thu nhập tháng nào xào hết tháng đó. Vì thế giờ tạm nghỉ việc, không có thu nhập là khó khăn trăm bề".
Được biết, sau khi nghỉ dạy, cô M cũng phải xoay xở từ việc nhận trông hai đứa trẻ, lúc rảnh rỗi lại làm thêm các loại bánh để bán tại nhà và qua mạng facebook nên cuộc sống cũng tạm ổn. Và còn rất nhiều giáo viên khác để có tiền trang trải cuộc sống khi tạm nghỉ việc không lương đã tìm việc làm thời vụ như: bán hàng mỹ phẩm online, làm shipper, bán cà phê...
Các trường tư thục phải tự chủ toàn bộ về tài chính, tiền trả lương giáo viên, nhân viên, mặt bằng... Vì thế, khi phải nghỉ học dài ngày, không có nguồn thu, kéo theo rất nhiều áp lực, đặc biệt là ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống giáo viên. Mong rằng muốn dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm đi qua để tìm lại nhịp sống bình yên, để các thầy, các cô tiếp tục bám lớp, bám trường vì sự nghiệp trồng người.
Đức Toàn