Ngày 16.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp trực tuyến với 19 sở GD-ĐT thuộc các vùng khó khăn về việc triển khai hoạt động dạy học từ xa qua internet và truyền hình; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khi học sinh đi học trở lại.
Tại cuộc họp, nhiều địa phương thông tin dự kiến đề xuất cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 5. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng, cho biết dự kiến sẽ tham mưu UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh, thầy cô giáo, một số giải pháp được Sở GD- ĐT tỉnh này tính đến như: phân chia khối lớp học khác buổi, ví dụ học sinh khối 9, 12 học sáng; các khối khác học buổi chiều… để học sinh không đến trường một lúc quá đông.
Tương tự, Đắk Lắk hiện chưa có dịch và được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Bởi vậy, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay nếu không có chuyển biến bất thường, Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh cho học sinh đi học lại vào đầu tháng 5 tới. Sở GD-ĐT Nghệ An và Quảng Nam cũng dự kiến tương tự.
Thanh Hóa dự kiến đề xuất UBND tỉnh cho học sinh THCS, THPT đi học lại vào đầu tháng 5; các cấp học thấp hơn trở lại trường học sau đó khoảng từ 1-2 tuần…
Với Yên Bái, ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đã chủ động đưa ra 5 kịch bản tương ứng với 5 mốc thời gian dự kiến học sinh đi học trở lại, sớm nhất là 20.4 và muộn nhất là 15.6; kịch bản tương ứng với mỗi mốc thời gian đều tính đến đầy đủ các yếu tố, từ thực hiện chương trình đến ôn tập, đội ngũ, kinh phí kèm theo…
Ông Đỗ Minh Tâm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, cho biết đang cố gắng để học sinh có thể đi học lại vào đầu tháng 5. "Sở đang xây dựng 2 phương án. Phương án 1, dự kiến học sinh khối THPT và giáo dục thường xuyên đi học trước, sau 1 tuần đến các khối còn lại. Phương án 2, dự kiến chỉ khối lớp 9 và lớp 12 đi học lại từ đầu tháng 5, sau đó đến các khối lớp khác”, ông Tâm chia sẻ.
Tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước
Liên quan đến vấn đề học sinh đi học trở lại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là việc cần được tính toán, xem xét rất kỹ dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Ông Độ gợi ý, các địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao theo khuyến nghị của Thủ tướng Chính phủ, cần xem xét, cân nhắc; địa phương nguy cơ thấp có thể xem xét đề xuất UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại.
"Học sinh đi học phải an toàn, trường học có an toàn mới cho học sinh đi học. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các lớp khác học sau; cũng không nhất thiết phải xếp lịch học cả tuần mà có thể xếp học 3 buổi/tuần, đan xen thực hiện dạy học trực tiếp và trực tuyến. Ở mỗi lớp học cũng có thể tách đôi số lượng học sinh để bố trí giảng dạy; kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến…”, ông Độ nhấn mạnh.
Ông Độ cũng lưu ý, trên tinh thần nội dung dạy học đã tinh giản, các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo đúng thời gian và chương trình đã tinh giản, đồng thời tổ chức dạy học và ôn tập sao cho phù hợp; quyết tâm để có thể hoàn thành chương trình trước 15.7, đặc biệt với học sinh khối 12.
Với kỳ thi THPT quốc gia, tại cuộc họp, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT nêu mong muốn vẫn tổ chức thi. Việc giữ ổn định kỳ thi tránh được nhiều xáo trộn, đặc biệt với học sinh. Hiện nay, số lượng học sinh có nhu cầu thi đại học rất lớn. Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các em sẽ phải đến thành phố lớn để dự thi tại các trường đại học, như vậy sẽ áp lực và tốn kém.
Về nội dung này, ông Độ cho biết, Bộ GD-ĐT tính toán để có phương án phù hợp cho mọi tình huống.
(Theo TNO)