Những ngày qua, các thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học & THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải vào mỗi buổi sáng sớm hay tối muộn đều xuống tận phòng bán trú nhắc nhở các em học sinh mặc ấm trước khi ra ngoài, kiểm tra chăn, đệm xem có đủ ấm không bởi nhiệt độ ban ngày ở đây duy trì ở mức 11 - 12 độ C và dưới 10 độ C vào buổi đêm.
Cô giáo Lê Thị Hoàng Yến - Phó Hiệu trưởng chia sẻ: "Thời tiết vùng cao vào mùa đông bao giờ cũng xuống thấp, có khi rất thấp, nên từ tháng trước, lúc còn đang ấm, nhà trường đã cho học sinh phơi chăn, đệm để chuẩn bị cho những ngày giá lạnh. Từ đầu mùa, nhà trường đã yêu cầu phụ huynh học sinh chuẩn bị quần áo ấm cho các em đến khi nhiệt độ giảm sâu, các em cơ bản có đủ điều kiện giữ ấm. Nhà trường cũng chú ý thay đổi khẩu phần ăn, tăng cường rau xanh và các món bổ sung năng lượng. Nhà trường có 2 cấp học là tiểu học và trung học cơ sở, nên các phòng ở bán trú thầy, cô đã bố trí các anh chị lớn ở cùng các em bé, vừa giúp đỡ sinh hoạt, vừa chăm sóc, giữ ấm các em bé trong những ngày nhiệt độ buổi đêm xuống thấp. Đến nay, nhà trường không có các em bị ốm do nhiễm lạnh. Tỷ lệ học sinh chuyên cần duy trì luôn đạt trên 96%”.
Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Dế Xu Phình là trường liên cấp với 569 học sinh trong đó có 374 học sinh bán trú được ăn ở trong trường, nhà trường bố trí 10 phòng bán trú với giường tầng đủ chỗ cho các em. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường vẫn tạo điều kiện để các em có những góc hoạt động ngoài giờ kín gió, như tận dụng chân cầu thang để tổ chức góc thư viện. Các thầy cô cũng có nhiều sáng kiến vừa làm hấp dẫn tiết học, vừa giúp các em giữ ấm cơ thể.
Cô giáo Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ: "Với các em cấp 1, những ngày lạnh quá thì chúng tôi thường cho các con hoạt động trong lớp, nhiều cô có sáng kiến: trước tiết học buổi sáng thường cho học sinh múa hát trước khi vào bài giảng, cả lớp đứng lên vừa múa, vừa hát tại chỗ, các con vừa được vận động, vừa hào hứng học tập”.
Cũng như các thầy cô giáo tất cả các trường học ở Mù Cang Chải, các thầy cô ở đây đã nỗ lực huy động các nguồn lực, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm ủng hộ những đồ dùng cần thiết trong mùa đông như chăn bông, ủng, tất…
Cùng với đó, việc thay đổi khẩu phần ăn những ngày lạnh cũng được các thầy cô chú ý, nhất là khi nhà trường đã tổ chức trồng được vườn rau xanh, cung cấp đủ rau xanh cho toàn bộ nhà trường. Đối với những em học sinh không ở bán trú, các thầy cô tuyên truyền, nhắc nhở tới phụ huynh và học sinh giữ ấm cơ thể, khi di chuyển từ nhà tới trường phải có đầy đủ mũ áo, khẩu trang và tất chân.
Ở huyện Văn Yên, những ngày qua, nhiệt độ tại xã Nà Hẩu xuống thấp, có thời điểm xuống dưới 10 độ C, song các cô giáo ở Trường Mầm non Nà Hẩu đã tích cực phòng chống rét cho học sinh để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần.
Cô giáo Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động hướng dẫn phụ huynh cho các con mặc ấm sử dụng tất chân, khăn, mũ và khẩu trang khi tới trường. Tại trường, chúng tôi sử dụng nước ấm để cho các con rửa tay, rửa mặt. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các nhà hảo tâm, nhà trường cơ bản có đầy đủ chăn ấm cho trẻ ngủ trưa. Đặc biệt, chế độ ăn của trẻ được quan tâm, khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng, đồng thời các món ăn luôn giữ ấm. Giáo viên các nhóm lớp thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh về cách chăm sóc trẻ tại nhà vào mùa lạnh, nên tỷ lệ chuyên cần được duy trì đảm bảo”.
Cũng ở Văn Yên, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Đại Sơn, huyện Văn Yên có trên 200 học sinh bán trú. Đóng trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, nên các thầy cô giáo ở đây đã quen với việc chủ động phòng chống rét cho học sinh trong mùa lạnh. Biết được hoàn cảnh của nhiều gia đình học sinh còn khó khăn, không đủ điều kiện để trang bị cho các em quần áo ấm nên các thầy cô đã chủ động mang quần áo cũ của gia đình, vận động quyên góp quần áo ấm của hàng xóm, bạn bè để mang tới trường cho các em học sinh.
Cô giáo Lương Thúy Quyên - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên phụ trách phòng ở đều rất sát sao với học sinh, đặc biệt là trong những ngày lạnh. Chúng tôi hướng dẫn các em giữ gìn vệ sinh, giữ ấm cơ thể ngày lạnh, đồng thời nắm bắt hoàn cảnh của từng em, các thầy cô về nhà lấy quần áo không dùng tới của con, cháu mình, xin hàng xóm quần áo cũ mang tới cho các em để đảm bảo các con đủ ấm trong những ngày lạnh. Các thầy cô chủ nhiệm nắm bắt và thống kê những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhà trường sẽ có những hỗ trợ cụ thể”.
Các biện pháp phòng chống rét cho học sinh được triển khai đồng bộ, như cung cấp nước ấm đầy đủ cho các lớp học, các phòng ở của học sinh; kiểm tra, cung cấp đầy đủ chăn ấm cho học sinh tại các phòng bán trú.
Bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy cô ở vùng cao Yên Bái đã có nhiều những biện pháp phòng chống rét cho học sinh. Tuy nhiên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các nhà trường rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ các đồ dùng, vật dụng để chống rét cho học sinh như tất chân, chăn ấm, quần áo ấm, dép, ủng… Với sự chung tay của cộng đồng, chắc chắn các trường vùng cao tiếp tục duy trì tỷ lệ chuyên cần, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục.
Thanh Ba