Đó là lời của nhà giáo Vũ Quốc Long - Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái khi Huyện ủy điều động thầy Nguyễn Minh Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS số 2 Hồng Ca sang làm Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh....
Vì trò không ngại khó
Hơn 28 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, trên 10 năm ở cương vị quản lý, thầy Nguyễn Minh Thanh luôn tâm niệm mình đang làm những công việc bình dị, song vô cùng ý nghĩa để giúp đỡ, sẻ chia với HS, với những gia đình người dân tộc thiểu số ở vùng cao huyện Trấn Yên.
Học xong sư phạm, thầy Nguyễn Minh Thanh được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Đến năm 2009, thầy được bầu làm Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Thịnh. Thầy Thanh nhớ lại: Năm 2009 trở về trước, trường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, chất lượng dạy và học luôn ở tốp trung bình của huyện.
Tôi đã cùng Ban giám hiệu chủ trương đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, GV giao lưu học hỏi kinh nghiệm nâng cao trình độ. Để trường có hạ tầng cơ sở đáp ứng việc dạy học, tôi và các thầy cô trong trường đã huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng khuôn viên, giúp Trường Hưng Thịnh đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2013.
Ngày 27/8/2016, thầy Thanh được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học&THCS số 2 Hồng Ca. Là địa bàn vùng xa và đông đồng bào dân tộc thiểu số nên việc huy động HS ra lớp gặp nhiều khó khăn. Không để học sinh "đói chữ”, thầy Thanh trực tiếp cùng cán bộ, GV nhà trường đến từng nhà HS tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các gia đình khó khăn tạo điều kiện cho con em đi học đầy đủ.
Không chỉ dạy đủ chương trình theo quy định, nhà trường còn tổ chức dạy các môn thể thao truyền thống phù hợp với đối tượng HS vùng cao như: Bắn nỏ, ném pao, đẩy gậy; xây dựng các vườn hoa cây cảnh, góc công viên nhỏ, thư viện ngoài trời nhằm thu hút HS đến trường và tạo hứng thú trong học tập.
Dành điều tốt đẹp nhất cho học sinh
Thầy Thanh chia sẻ: Trong những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, tôi đã nhận được thông tin về việc Huyện ủy luân chuyển về làm Bí thư xã. Đang gắn bó với ngôi trường vùng cao, khó khăn nhất của huyện Trấn Yên, còn thiếu thốn trăm bề cả về cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị phục vụ dạy và học, 100% HS là con em đồng bào dân tộc Mông, tôi tự nhủ, còn một ngày làm ở trường cũng phải làm những điều tốt nhất cho các em.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, tôi cùng thầy cô nảy ra sáng kiến giao bài học cho HS bằng ống tre, nhựa. Theo đó, bài được đút vào ống và treo ở cửa nhà. Học sinh nhận và trả bài vào ống để thầy cô đến lấy. Cách làm này giúp trò học kịp chương trình, góp phần giữ ổn định chất lượng dạy học và được nhiều nơi làm theo.
Không chỉ có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, thầy Thanh còn là sứ giả kết nối mạnh thường quân với nhà trường, HS. Chia sẻ về công việc của mình, thầy Thanh trầm ngâm: Tôi nghĩ nếu ai nhìn thấy những em HS dù mùa đông hay mùa hè đều đến trường với manh áo mỏng cũ kỹ, những bữa ăn trưa là cơm trắng và măng ớt được gói trong lá chuối hoặc lá dong…, sẽ cố gắng làm được điều gì đó để làm vơi đi khó khăn đó.
Tôi đã tâm sự và bảo vợ gom những quần áo cũ còn lành lặn của người thân trong gia đình, họ hàng và người quen không dùng nữa, giặt giũ sạch sẽ và đem lên ủng hộ các em; lên mạng xã hội kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. "Cứ nghe thấy ở đâu có đồ cho HS là tôi có mặt. Tôi đã từng đi xin từ những đôi dép đến sách, vở, bút mực, cặp sách rồi cả những chăn ấm cho học trò”, thầy Thanh tâm sự.
Khi được hỏi, chuyển công tác, thầy có quan tâm tới giáo dục nữa không? Cười thật tươi, thầy Thanh đáp: Có chứ, thậm chí còn làm thật nhiều. Làm sao để không chỉ người dân mà các cấp lãnh đạo thấy giáo dục phải thực sự là nền tảng cho phát triển. Làm sao bớt đi hình ảnh của những HS hàng ngày đi bộ đến trường trong tấm áo mỏng manh, đầu không mũ, chân không giày, không dép...
Thế nên, ngay từ những ngày đầu nhận công tác mới, tôi đã đưa vào kế hoạch chỉ đạo của xã nhiệm vụ quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, hỗ trợ người dân làm giàu, ổn định kinh tế để nâng cao điều kiện sống, khi đó giáo dục sẽ được quan tâm và chăm lo tốt hơn.
(Theo GD&TĐ)