Đồng chí Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 51 trường học trực thuộc, gồm 20 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 6 trường THCS, 20 trường TH&THCS. Trong đó 4 trường TH&THCS có bậc học mầm non và 4 nhóm trẻ tư thục độc lập; có 20 trường có học sinh bán trú với 1.110 học sinh.
Đảm bảo thực hiện đúng chính sách, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo tuyển sinh vào Trường Phổ thông DTNT THCS huyện đúng chỉ tiêu, đối tượng, đảm bảo công bằng, khách quan, cân đối giữa các vùng, các xã.
Các đơn vị trường học tổ chức rà soát và xét duyệt học sinh bán trú theo đúng tiêu chuẩn quy định. Mặt khác, cơ sở vật chất phòng ở, nhà ăn, bếp, công trình phụ trợ và trang thiết bị phục vụ học sinh bán trú tiếp tục được đầu tư, bổ sung. Đến nay, cơ bản đáp ứng được điều kiện ăn, ở của học sinh.
So với năm học trước, năm học này, Lục Yên tăng 4 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh tại trường, tăng 133 học sinh bán trú ở các trường: TH&THCS Minh Chuẩn, TH&THCS An Phú, Tiểu học Lâm Thượng, Tiểu học Phúc Lợi.
Các trường học xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường với công an xã, thị trấn về quản lý học sinh, trong đó có biện pháp cụ thể để quản lý học sinh nội trú, bán trú; phân công cán bộ, giáo viên trực 24/24 giờ, phụ trách từng phòng, từng học sinh và phân công học sinh lớn giúp đỡ học sinh bé.
Tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa có nội dung tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh trật tự trường học, các tệ nạn xã hội và phòng tránh tai nạn thương tích.
Kiểm tra 7 đơn vị trường học về việc thực hiện chế độ chính sách đối với Trường Phổ thông DTNT THCS huyện, các trường có học sinh bán trú để nắm bắt tình hình việc thực hiện chi trả chế độ chính sách cho học sinh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Qua kiểm tra, các chế độ của học sinh như: hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học sinh bán trú, học bổng học sinh nội trú, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo, miễn giảm học phí... được chi trả kịp thời, đúng chế độ theo quy định.
Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục trong trường DTNT, trường có học sinh bán trú và học sinh người DTTS, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường phù hợp với đối tượng học sinh DTTS.
Qua đánh giá kết quả hai mặt giáo dục những năm gần đây, đối với học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS, có từ 13-15% học sinh đạt học lực giỏi, khá khoảng 70%, trung bình khoảng 14%, không có học sinh xếp loại yếu, kém. Về hạnh kiểm, tốt trên 90,33%, khá 9,92%, trung bình 0,74%, không có học sinh xếp loại yếu.
Đối với các trường có học sinh bán trú, cấp tiểu học: môn Tiếng Việt có 21,9% hoàn thành tốt, 76,7% hoàn thành, 0,2% chưa hoàn thành; môn Toán có 28,2% hoàn thành tốt, 68,7% hoàn thành, 0,2% chưa hoàn thành.
Cấp THCS, hạnh kiểm tốt đạt 71,84%, khá 25,28%, trung bình 2,66%, không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu; học lực giỏi có 1,33%, khá đạt 26,16%, trung bình đạt 66,74%, yếu chiếm 5,32%, kém chiếm 0,22%.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2016 - 2020”, 100% trẻ, học sinh DTTS ở Lục Yên ra lớp được tăng cường tiếng Việt; 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS.
Công tác tuyên truyền được chú trọng và phát huy hiệu quả; cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tích cực phối hợp giáo dục, đặc biệt là cha mẹ trẻ đã tham gia tích cực vào các hoạt động của nhà trường góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh.
Đã có 3 tập thể, 5 cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác triển khai thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2016-2020 được khen thưởng.
Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố, đồng bộ, hiện đại; các chế độ của học sinh được chi trả kịp thời, đúng chế độ theo quy định; công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường trên địa bàn huyện.
Thành Trung