Lên đến Trạm Tấu (Yên Bái) rồi hỏi thăm đường đến bản Sán Trá của xã Bản Công, chúng tôi nhận được nhiều cái lắc đầu: "Xa lắm, sợ không đi nổi đâu”. Đến khi gặp anh Thào A Chống, Trưởng bản Sán Trá người viết mới biết, bản có 88 hộ nhưng phân tán thành nhiều cụm, mỗi cụm vài nóc nhà, cách nhau có khi hàng tiếng đi bộ. Đường đi toàn dốc ngược, thành ra người lạ không lên nổi cũng phải.
Hiên ngang cắm bản
Điểm trường của bản là nơi học tập của 25 đứa trẻ người Mông. Vài đứa mới lên 3 còn lại thì 4, 5, 6 tuổi đủ cả. Dạy dỗ mấy đứa trẻ còn chưa biết nói tiếng Kinh ấy là hai cô giáo Hà Thị Tuyết (sinh năm 1983) và Lương Thị Sinh (sinh năm 1989). Cô Sinh kể, "quê em ở tận Thác Bà bên Yên Bình. Hôm đầu tiên đi dạy, trèo lên tới đỉnh núi đưa mắt nhìn xuống con đường bé như sợi chỉ, em khóc suốt. Cao thế này bao giờ mới xuống được đây? Em lại là người Dao, ngày đó lên đây không biết một chữ tiếng Mông nào, nản quá em đã định bỏ dạy”.
Trước kia, học sinh hay nghỉ học theo cha mẹ lên nương rẫy, các cô phải lặn lội đi tìm khắp các quả đồi, gọi khản cổ may ra mới thấy chúng. Dân bản sợ đi nương lâu ngày không đón được trẻ nên một mực giằng co với giáo viên, không cho con đến lớp. Chỉ đến khi các cô cả quyết không ai đón thì cô chăm cả ngày thì họ mới chịu giao trẻ cho cô. Trường nằm trên đỉnh mây, bốn mùa chỉ thấy sương trắng bàng bạc trôi qua, buồn nẫu ruột. Hiếm hoi lắm mới có khách lạ lên thăm, thành ra hỏi gì cô giáo Tuyết cũng đỏ hoe đôi mắt. Phóng tầm mắt ra xa, thấy thấp thoáng mấy ngôi nhà bốn vách thưng gỗ, mái rêu mốc thếch, cô Tuyết bảo đó là nhà của lũ trẻ. Nhìn thế thôi nhưng đi bộ thì xa lắm... Đường chưa đổ bê tông, vừa quanh co lại toàn sống trâu, mỗi lần trời mưa lũ trẻ đến trường bùn đất quánh chặt vào chân, lau chùi xong thì cũng xế trưa mất rồi.
Chiều chiều hết giờ lên lớp, các cô lại ra phía cổng nhìn theo mấy cái dáng nhỏ tí xíu, dắt díu nhau khuất hẳn dưới chân đồi rồi mới sấp ngửa vượt mấy triền núi, tụt vài con dốc để về nhà lúc trời đã tối đen như mực. Cô Tuyết cười buồn: "Em có con thơ, nhà ở dưới tận Nghĩa Lộ, cách điểm trường hơn 40km. Xa thì xa thật nhưng biết làm sao được. Vì lũ trẻ nên em chấp nhận và cố gắng”.
Lớp học giữa rừng sâu
Điểm trường mầm non Sán Trá nằm nhỏ nhoi trên đỉnh núi, nhưng cũng tạm được coi là trung tâm của bản. Căn nhà lắp ghép cũ kỹ, vách tường đã xỉn màu, gõ vào kêu bồm bộp. Gian rộng nhất kê mấy bộ bàn ghế nhựa làm lớp học. Gian bé hơn vừa để trưng bày giáo cụ, vừa là chỗ ở cho giáo viên cắm bản. Cô Tuyết tâm sự, có hai cái khổ mà dù không muốn các cô cũng phải vượt qua, ấy là thiếu nước và đường đi. Tất cả mọi người dân đều phải dùng chung một nguồn nước từ trên núi chảy về. Từ sau Tết trở đi, nước cạn nên phải dùng tiết kiệm, khi nào hết nước phải xuống tận nhà dân để xách về. "Từ chân núi lên đây chẳng gặp nổi một người. Có lần đất trên núi sạt xuống, chúng em đứng đó đợi mãi mà chẳng có ai, đành quay xe trở lại. Thế nhưng tìm mỏi mắt không thấy người đàn ông nào, sau lại phải dò dẫm tự khiêng xe qua. Cứ lên lớp thì ủng và áo mưa là hai thứ không được quên, bởi thời tiết ở đây lạ lắm, dưới trung tâm có thể nắng to nhưng trên này đổ mưa rào. Mỗi lần như thế chúng em đành đi bộ. Em cứ cắm mặt mà đi, 5 cây số phải mất hàng tiếng đồng hồ, người bẩn như con trâu đầm, nghĩ tủi thân khi bạn bè toàn quần là, áo lượt”, cô Sinh kể.
Hai cô giáo trẻ băng rừng đến lớp
Khó khăn là vậy nhưng hai cô giáo vẫn đều đặn lên lớp mỗi ngày. Lũ trẻ con vùng cao hai má đỏ hây như trái đào rất chịu khó đi học, tiếng đánh vần ê a cứ vang vọng giữa mênh mang núi rừng. Còn trưởng bản Thào A Chống thì khăng khăng: "Cô giáo trên này giỏi lắm, chẳng biết làm thế nào mà chúng nó rất thích đi học. Mà nghỉ học là không được đâu, bây giờ xã hội tiến bộ, không biết cái chữ thì còn nghèo, còn khổ. Trồng được nương ngô không biết đem đi chợ mà bán”.
Trạm hạ thế điện lưới quốc gia nằm xa quá nên nhà trường đành kéo nhờ đường dây của hộ dân trong bản nhưng yếu lắm, muốn cắm một siêu nước để vệ sinh mặt mũi cho lũ trẻ là phải tắt hết mọi nguồn điện khác đi. "Vất vả một chút nhưng không gặp lũ trẻ là nhớ. Chỉ buồn một điều, ở quê em người ta cứ bảo cái Sinh đi dạy trên Trạm Tấu chắc lương cao lắm... Em mất tới 2 năm để buồn những chuyện không đâu như thế, giờ thì em chẳng nghĩ nữa rồi”, cô giáo Sinh thủ thỉ rồi ao ước, giá điểm trường có cái ti vi thì bọn em sẽ kết nối với máy tính để dạy học, chắc bọn trẻ con sẽ vui lắm!
Đêm đó, Sán Trá đổ mưa tầm tã. Nằm trong gian nhà kho nghe tiếng mưa rừng đổ rào rào và đếm những đợt gió lạnh thốc qua khe gỗ, chúng tôi cứ nghĩ về những câu hát quen thuộc: Trường của em be bé/ Nằm ở giữa rừng cây/ Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay... Chắc hẳn, trong những cô giáo "tre trẻ” ấy có cô Sinh, cô Tuyết của điểm trường Sán Trá này.
(Theo Văn hóa)