Đến Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) Nội trú THCS huyện Mù Cang Chải hôm nay, có thể cảm nhận rõ những đổi mới không chỉ về diện mạo mà còn cả nội dung học tập, trải nghiệm cho học sinh. Đó là không gian ngập tràn sự rực rỡ, tươi mát của vườn hoa, cây cảnh.
Đó là những khu trưng bày các sản phẩm văn hoá dân tộc như trang phục, nhạc cụ, ruộng bậc thang, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của đồng bào; là hình ảnh sống động của cối giã gạo, cọn nước được tái hiện ngay trong khuôn viên nhà trường.
Đó còn là những buổi tập làm hướng dẫn viên du lịch với việc rèn luyện các kỹ năng và kiến thức về phong cảnh, văn hóa quê hương. Từ một ngôi trường bài trí giản đơn như bao ngôi trường nay trở nên sống động, sắc màu, thu hút bất cứ ai đi qua cũng phải ngắm nhìn rồi hoà mình vào đó. Tất cả là nhờ nhà trường đã và đang tích cực xây dựng các tiêu chí của mô hình trường học du lịch.
Hiệu trưởng nhà trường Giàng A Của bày tỏ: "Để có diện mạo như hiện nay, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho 10 thành viên bám sát mục tiêu xây dựng mô hình trường học du lịch. Theo đó, nhà trường tập trung hướng dẫn học sinh phát huy các nghề truyền thống, văn hoá dân tộc bằng cách thành lập các câu lạc bộ khâu, thêu, dệt thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc và khuyến khích học sinh chơi các trò chơi dân gian truyền thống.
Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức 4 đợt cho các em học sinh tham gia trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm tổ chức du lịch tại các điểm du lịch của huyện; tổ chức thi nấu ăn, thi gấp chăn màn theo mô hình nhà nghỉ; bán các mặt hàng do học sinh tạo ra ở trong và ngoài nhà trường; tham gia các tiết mục văn hoá văn nghệ trong các ngày lễ hội để quảng bá văn hoá dân tộc, thu hút khách du lịch”.
Cùng với Trường PTDT Nội trú THCS huyện Mù Cang Chải, năm học 2020-2021, huyện Mù Cang Chải có thêm 2 đơn vị: Trường PTDT Bán trú Tiểu học Cao Phạ, Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn cũng triển khai mô hình trường học du lịch. Cuối mỗi năm học, huyện sẽ tổ chức đánh giá chấm điểm nhà trường theo 15 tiêu chí. Huyện đã xây dựng lộ trình, tiến tới năm 2025, toàn huyện có 10 trường thực hiện mô hình.
Quá trình áp dụng mô hình, các đơn vị trường sẽ lựa chọn những nội dung thiết thực đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua phương pháp tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động của câu lạc bộ và giáo dục trải nghiệm tích cực; tăng cường thực hiện giáo dục địa phương về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng; tích hợp nội dung quảng bá du lịch vào quá trình dạy học các môn học có liên quan; tổ chức các cuộc thi gắn với các tiêu chí của trường học du lịch, giảm áp lực, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, khám phá năng lực của bản thân.
Ngôn ngữ mới
7 giờ 30 sáng tại Yên Bái tức 9 giờ 30 tối theo giờ Florida, thầy Geri Werner Schlecht - cộng tác viên của Dự án ICEM (Dự án nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Anh cho người dân tộc thiểu số góp phần phát triển du lịch cộng đồng) tại bang Florida (Hoa Kỳ) đã dành cho các học viên người Mông của lớp học ICEM La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) một buổi học thú vị.
Thầy đặt cho các bạn nhiều câu hỏi về quê hương Yên Bái; đồng thời, chia sẻ những điều người nước ngoài yêu thích khi đến với Việt Nam. Các học viên chăm chú lắng nghe và trả lời câu hỏi của thầy Geri bằng tiếng Anh một cách tự tin. Các bạn cũng giới thiệu thêm một số điểm du lịch, các gói dịch vụ du lịch hiện có tại Mù Cang Chải và hy vọng được đón tiếp thầy ngay khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi.
Rõ ràng, giao tiếp bằng tiếng Anh đóng vai trò quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho đồng bào dân tộc có việc làm và thu nhập từ phát triển du lịch cộng đồng. Việc dạy và học tiếng Anh trong đồng bào dân tộc cần phải có một phương pháp đặc thù. Và Dự án ICEM của 2 em học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là Hoàng Đức Minh và Phạm Mai Phương đã làm được điều đó. Theo đó, nhóm tác giả đã xây dựng, số hóa và gia công sư phạm những giải pháp áp dụng công nghệ hỗ trợ học tiếng Anh như: sách điện tử tương tác đa phương tiện, bộ thẻ quét mã QR, tổ chức 3 điểm học trải nghiệm dạy tiếng Anh giao tiếp; lớp học không biên giới để kết nối với một nhóm người có kiến thức trong hoặc ngoài lãnh thổ của đất nước; cẩm nang "Điểm hẹn du lịch xanh miền Bắc” bằng 3 thứ tiếng Anh - Việt - Mông...
Hảng Thị Dở ở xã La Pán Tẩn vốn là cô bé nhút nhát. Gia đình Dở mới xây dựng một homestay. Vì vậy, Dở rất muốn học tiếng Anh. Hảng Thị Dở phấn khởi khoe: "Lớp học đã giúp mình tiếp cận tiếng Anh một cách phù hợp dễ hiểu, dễ nhớ. Nhờ đó, sau 5 tháng, mình đã tự tin giới thiệu về cảnh đẹp ruộng bậc thang và đồi mâm xôi của quê hương bằng tiếng Anh với bạn bè quốc tế”.
Cùng với Hảng Thị Dở, Hảng Thị Sông, Giàng A Hừ và nhiều học viên khác… đã tự tin giới thiệu về trang phục, phong cảnh, đặc sản quê hương mình bằng ngôn ngữ mới - tiếng Anh. Thời gian tới, những thành quả của Dự án sẽ tiếp tục được duy trì, mở rộng với sự phối hợp của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, Tỉnh đoàn và các thầy, cô giáo dạy tiếng Anh trong và ngoài tỉnh.
Lớp học sẻ chia
Khác với cách làm ở Mù Cang Chải, tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có một lớp học đặc biệt mang tên là lớp học sẻ chia. Đây là lớp học điểm thuộc Dự án "Bước chân của sách” với nội dung là xây dựng lớp học miễn phí với kế hoạch học tập ngắn hạn và dài hạn dành cho học sinh lớp 1, 2 và người dân bản địa, tập trung vào kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học, kiến thức cơ bản, kiến thức văn hóa, phong tục địa phương, đào tạo nghề truyền thống, các môn nghệ thuật...
Thạc sĩ Vũ Thị Mai Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, Phó Trưởng ban Thường trực Dự án "Bước chân của sách” chia sẻ: "Tại xã Suối Giàng, học viên được học nghệ thuật pha trà, cách bảo quản, kinh doanh trà, bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật của người Mông. Người dạy là các tình nguyện viên của Dự án (sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, giáo viên tại các huyện; giáo viên, sinh viên tình nguyện của Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh khác đăng ký tham gia Dự án), hoặc du khách đến du lịch. Với sự hỗ trợ từ Hợp tác xã Du lịch sinh thái Suối Giàng và nhân dân trong xã, lớp học đã hoàn thiện cơ sở vật chất và tổ chức được 3 lớp học về: pha trà, tiếng Anh, kỹ năng sống”.
Tới đây, lớp học sẽ được nhân rộng sang các địa phương khác trong tỉnh để cùng với nhân dân vùng khó khăn và doanh nghiệp xây dựng những lớp học chia sẻ kiến thức cho trẻ em và người dân địa phương nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng một lực lượng lao động có trình độ, năng lực cho địa phương, phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch.
Rõ ràng, có nhiều cách để kết hợp giáo dục và du lịch song đều sẽ tạo ra một tổng thể về lợi ích. Sự kết hợp ấy không những đào tạo, giáo dục nguồn nhân lực bản địa có kiến thức, kỹ năng về du lịch mà còn góp phần phát triển du lịch Yên Bái nhất là du lịch cộng đồng hướng tới sự chuyên nghiệp với nét đẹp văn hoá truyền thống trường tồn.
Hoài Anh