Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã chia sẻ: "Qua hoạt động này sẽ huy động toàn ngành giáo dục thị xã thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Mường Lò, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án xây dựng thị xã văn hóa du lịch của địa phương, vừa tôn vinh văn hóa vừa góp phần giảm dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường trên địa bàn thị xã, gắn kết nâng cao chất lượng giáo dục với bảo tồn giá trị văn hóa địa phương”.
Mô hình "Sắc màu văn hóa các dân tộc Mường Lò” được triển khai thông qua việc tiếp tục duy trì và thành lập mới các câu lạc bộ (CLB) bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc sống tại địa phương. 100% trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đều thành lập và duy trì CLB xòe Thái.
Bên cạnh đó, các trường thành còn thành lập và duy trì các CLB Khắp Thái, CLB Chữ Thái cổ, CLB dân vũ Mường, CLB hát Then, CLB Bảo tồn lễ hội Hạn Khuống, CLB Ẩm thực Mường Lò, CLB Khèn bè, CLB Bảo tổn lễ Tẳng cẩu của người Thái, CLB Dệt thổ cẩm của người Thái…
Thông qua hoạt động của các CLB tổ chức truyền dạy các loại hình nghệ thuật các dân tộc Mường Lò trong trường học, nhiều trường đã huy động được sự vào cuộc nhiệt tình của các nghệ nhân dân gian, các bậc phụ huynh tham gia truyền dạy, tạo được mối liên kết giữa nhà trường - gia đình và xã hội.
Cô giáo Phu Minh Diệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Các thầy cô tâm huyết với mô hình này, phụ huynh cũng rất tâm huyết cùng nhà trường. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã mời được nhiều bậc phụ huynh am hiểu văn hóa truyền thống của địa phương tới truyền dạy cho các CLB, tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng cô và trò nhà trường. Các bậc phụ huynh nhiệt tình lắm. Hôm dạy múa sạp cho học sinh, các bà ,các chị còn tự tay chuẩn bị đạo cụ mang tới trường. Hay tất cả các sản phẩm trưng bày tại góc văn hóa dân tộc địa phương ở mỗi lớp đều do các phụ huynh mang tặng, từ những chiếc gùi, chiếc khăn piêu đến những chiếc khèn”.
Ngay sau khi có kế hoạch của Phòng GD&ĐT thị xã, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch đồng thời đưa ra các giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể. Về cơ bản các nhà trường đều có những thuận lợi nhất định như hầu hết các trường đều có số lượng lớn học sinh người dân tộc thiểu số. Đội ngũ giáo viên năng động, nhiệt tình, trách nhiệm khi đóng vai trò là người hướng dẫn, khuyến khích học sinh tham gia giữ gìn các giá trị văn hóa địa phương.
Đồng thời, 100% nhà trường hàng tuần tổ chức các hoạt động giữa giờ, thực hiện đầy đủ các hoạt động như múa hát trên sân trường, võ Nhất Nam, biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, giáo viên học sinh tích cực hưởng ứng hoạt động mặc trang phục dân tộc trong giờ chào cờ đầu tuần và trong các hoạt động chung của nhà trường. Thường xuyên tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian như Tó mắc lẹ, đẩy gậy, ném còn… Phối hợp với các khu du lịch cộng đồng để tổ chức cho học sinh biểu diễn, giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương cho du khách, đồng thời rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh.
Chính từ việc thực hiện giữ gìn bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương gắn với các phong trào học tập, nghiên cứu khoa học trong các nhà trường, trong những năm qua, ngành GD&ĐT thị xã có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh, các cuộc thi Violympic quốc gia, đặc biệt có nhiều học sinh đạt giải Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học cấp tỉnh.
Thanh Vy