Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 đã diễn ra ngày 7 đến 8-7 với gần 1 triệu thí sinh dự thi. Hiện hơn 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, TP chưa thể thi do ảnh hưởng của dịch. Các em này thuộc diện F0, F1, F2 hoặc trong vùng phong tỏa khi kỳ thi đợt 1 diễn ra…
Đã xuất hiện điểm 9 môn văn
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một giáo viên tham gia chấm thi tại Hội đồng thi TP.HCM cho biết công tác chấm thi diễn ra khẩn trương, đảm bảo các yếu tố về phòng dịch trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo giáo viên này, đề thi môn văn năm nay "dễ thở”, đáp án của Bộ GD&ĐT khá chi tiết, do đó qua quá trình chấm và trò chuyện với các tổ khác cho thấy điểm văn khá ổn.
Phổ điểm tập trung ở điểm 6, điểm 7. Đã xuất hiện nhiều bài thi đạt điểm 8, điểm 9. Để đạt được điểm số trên, phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học phải làm đúng theo hướng dẫn chấm của bộ. Bên cạnh đó, các em phải có sự sáng tạo trong cách thể hiện cũng như có kỹ năng làm bài.
Phân tích cụ thể vào đề thi, vị giám khảo này cho hay ở phần đọc hiểu, thí sinh thường bị mất điểm ở câu 3, câu 4. Trong khi đó, hầu hết các em đạt trọn điểm ở câu 1, câu 2.
Ở phần nghị luận xã hội, do không đọc kỹ đề nên nhiều em cũng không giành được điểm trọn vẹn. Đề yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của bản thân "về sự cần thiết phải biết sống cống hiến”, tuy nhiên nhiều em chỉ nêu cách sống cống hiến, quên trình bày yếu tố cần thiết của lối sống này.
Về phần nghị luận văn học, nhiều em bị mất điểm do không nắm rõ về tác giả của bài thơ Sóng. Vì thế, các em "vô tư” viết Xuân Quỳnh là ông…
"Công tác chấm thi được triển khai liên tục từ ngày 11-7 đến nay, chấm thi cả thứ Bảy lẫn Chủ nhật. Dự kiến hôm nay sẽ hoàn thành việc chấm thi bài thi tự luận” - vị này nói thêm.
Tổ trưởng một tổ chấm thi bài ngữ văn tại TP.HCM cho biết lần đầu tiên quá trình chấm thi kéo dài đến chín ngày và được chia theo ca từ việc chấm đến ăn trưa, giờ về để hạn chế tập trung. Cứ ba ngày, mọi người được test COVID-19 một lần. Trong phòng chấm bố trí giám khảo hạn chế, mỗi tổ chấm bài thi năm nay chỉ 18 người chia làm hai phòng chứ không phải 36 người như mọi năm. Mỗi tổ chấm bài của mình theo quy trình và báo cáo lên cấp trên chứ không có tổng kết chấm thi.
Đánh giá kết quả làm bài của thí sinh, vị này cho biết năm nay tổ chấm hơn 8.000 bài. Về phổ điểm, so với những năm trước, điểm chủ yếu từ 5 đến 7.
Phổ điểm này tương đồng với cách ra đề thi năm nay. Những em lựa chọn xét tuyển ĐH bằng tổ hợp có sử dụng môn ngữ văn nếu phải trông đợi vào môn này sẽ gặp khó. Vì đề năm nay có tính phân loại. Hơn nữa, việc học của các em bị ảnh hưởng nhiều yếu tố bên ngoài dẫn đến học tủ, nhiều em chỉ chú trọng văn xuôi nên khi làm về thơ ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có nhiều em bị mất điểm ở câu 3 và 4 ở phần đọc hiểu vì có sự "chênh” nhẹ giữa đề và đáp án nhưng nếu em nào tinh ý sẽ hiểu để làm đầy đủ ý.
"Ở phần nghị luận xã hội về giá trị của sự cống hiến, nhiều em đã liên hệ đến hình ảnh của những bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19. Điều này cho thấy các em có nắm bắt thông tin thời sự, có cập nhật và quan tâm tới tình hình xã hội chứ không phải thờ ơ như chúng ta nghĩ” - vị này chia sẻ.
Tuy nhiên, theo vị này, cũng có những bài chỉ 1,25 điểm, 1,75 điểm… nhưng không nhiều. Lý do là các em thường bỏ trống luôn phần nghị luận văn học.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết theo kế hoạch, ngày 24-7, hội đồng chấm sẽ hoàn thành công tác chấm thi, báo cáo kết quả và gửi dữ liệu bài thi về Bộ GD&ĐT.
Với gần 87.700 bài tự luận và hơn 420.000 bài thi trắc nghiệm, Sở GD&ĐT TP.HCM đã huy động 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi.
Nhiều tỉnh hoàn tất công tác chấm thi
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết hôm nay, tỉnh sẽ hoàn tất công tác chấm thi tự luận lẫn trắc nghiệm. Năm nay, toàn tỉnh có 13.445 thí sinh dự thi. Sở huy động 130 giáo viên chấm thi tự luận, còn trắc nghiệm 30 người.
"Năm nay điểm thi môn văn giống như năm ngoái, không có sự biến động. Phổ điểm chủ yếu dưới 7 điểm” - ông Tân nói thêm.
Tại Bình Thuận, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho hay sáng 19-7, công tác chấm thi cơ bản đã xong từ môn tự luận cho đến trắc nghiệm.
Năm nay, tỉnh có 12.090 thí sinh dự thi tốt nghiệp. Để phục vụ cho công tác chấm thi, ngành giáo dục huy động hơn 100 giáo viên chấm thi tự luận và hơn 10 người chấm trắc nghiệm.
Việc chấm thi tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Mấy năm trước, một tổ văn 24 người thì năm nay chỉ 12 người/tổ để đảm bảo khoảng cách an toàn.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết công tác chấm thi tốt nghiệp THPT đang được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo đúng quy chế. Năm nay, có 39 thí sinh học tại TP.HCM dự thi tại địa phương. Toàn hội đồng chấm thi gồm 198 người.
Tỉnh khai mạc chấm thi ngày 11-7. Ngày 17-7, công tác chấm thi môn văn đã hoàn thành. Còn các bài thi trắc nghiệm do phải chờ đáp án của Bộ GD&ĐT nên dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 21-7.
(Theo PLO)