Bởi nhiều năm nay, ngành GD&ĐT luôn trong tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt nhiều đơn vị thiếu hàng chục giáo viên, giáo viên dạy quá 300% số giờ quy định... ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Năm học 2021 - 2022, sẽ có 638 chỉ tiêu tuyển dụng cho sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công tập tỉnh Yên Bái, cùng với đó là những san sẻ giữa các đơn vị thiếu ít với đơn vị thiếu nhiều... sẽ là những giải pháp hữu hiệu phần nào giải được bài toán thiếu giáo viên trước thềm năm học mới.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Lý Tự Trọng, xã Nậm Có là một trong những đơn vị thiếu nhiều giáo viên nhất của huyện Mù Cang Chải với 16 giáo viên và 1 cán bộ quản lý.
Trong năm học vừa qua, cô giáo Hoàng Thị Thư Trinh giáo viên Tiếng Anh đã dạy thừa hơn 300 giờ, thanh toán tiền dạy thêm giờ cuối năm cô Trinh vẫn còn 189 tiết không được thanh toán do quy định chỉ được thanh toán tối đa 200 giờ dạy thêm/1 giáo viên/1 năm.
Cũng giống như cô Trinh, thầy Lò Văn Trường - giáo viên âm nhạc của nhà trường cũng dạy quá 152 tiết dạy không được thanh toán. Thầy Nguyễn Trung Dũng - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Lý Tự Trọng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Trường không có giáo viên thể dục, giáo dục công dân. Với môn Giáo dục công dân thì lấy giáo viên bộ môn Văn, Sinh, Địa sang dạy. Còn với môn Thể dục căn cứ vào giáo viên ít tiết sang dạy. Năm học tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 6, việc thiếu giáo viên của nhà trường càng đứng trước những khó khăn nhiều hơn. Bắt buộc sẽ phải bố trí đủ giáo viên dạy lớp 6 để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Lúc đó, các thầy cô vẫn phải dạy tăng giờ và những trường hợp dạy quá 200 giờ/năm sẽ vẫn còn nên cũng mong muốn Phòng GD&ĐT huyện bố trí chia sẻ từ đơn vị thiếu ít sang đơn vị thiếu nhiều, giảm áp lực cho giáo viên trong trường hiện nay”.
Trên cơ sở rà soát quy mô lớp, học sinh, đội ngũ hiện có và nhu cầu năm học 2021-2022, tỷ lệ giáo viên hiện có của huyện Mù Cang Chải so với nhu cầu định mức trung bình cấp mầm non đạt 70,5%, tiểu học đạt 92,3%, cấp THCS đạt 78,8%.
Riêng đối với giáo viên Tiếng Anh hiện tại của huyện là 23 giáo viên bậc THCS, mới đảm bảo bố trí ưu tiên đủ giáo viên Tiếng Anh dạy lớp 6 theo chương trình GDPT 2018; riêng đối với Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình hiện không có giáo viên Tiếng Anh cấp THCS. Bậc tiểu học, toàn huyện chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh trên tổng số 25 trường tiểu học trong toàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Nhiều năm nay, huyện không có giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học, cho nên việc triển khai dạy Tiếng Anh ở bậc tiểu học chỉ có duy nhất một trường trên địa bàn huyện được triển khai, trong khi đó năm học 2021-2022 thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6 sẽ giảng dạy môn Tiếng Anh hệ 10 năm. Điều này sẽ là khó khăn rất lớn trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018”.
Huyện Trấn Yên cũng là một trong những địa phương khó khăn về đội ngũ bậc nhất của tỉnh. Hiện, toàn huyện có 1.159 giáo viên (MN 415, TH 397, THCS 347). So với định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06 ngày 16/03/2015 của Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 16 ngày 12/7/2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDPT công lập, toàn ngành thiếu 270 người; so với định mức của tỉnh (bố trí không quá 95% biên chế giáo viên so với định mức) thì toàn ngành thiếu 213 người.
Theo dự kiến năm học 2021-2022, toàn tỉnh còn thiếu hụt khoảng 2.207 giáo viên, trong đó mầm non khoảng trên 800 giáo viên, tiểu học khoảng 654 giáo viên, THCS thiếu khoảng 681 giáo viên, THPT thiếu trên 170 giáo viên và nhân viên thiếu 810 người.
Đồng nghĩa với việc số giáo viên còn lại đang phải gồng mình gánh thay trách nhiệm của những vị trí thiếu hụt và một bộ phận không nhỏ học sinh bị thiệt thòi, phần nào ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Sẽ có 638 chỉ tiêu trong đó mầm non là 248 chỉ tiêu, tiểu học 162 chỉ tiêu, THCS 160 chỉ tiêu, THPT 68 chỉ tiêu, nếu so với con số nhu cầu trên 2.200 giáo viên, nhân viên thì chỉ hơn một phần tư nhu cầu của toàn ngành hiện nay được đáp ứng. Song đó là giải pháp hiệu quả ngay lập tức trong giải quyết bài toán thiếu giáo viên trước thềm năm học mới, nhất là khi năm học 2021 - 2022 tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 2 và lớp 6.
Thanh Ba