Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên cơ sở kế thừa những kết quả của giai đoạn 2016 - 2020, gắn với kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 130 trường, giảm 478 điểm trường; tăng 29 lớp.
Cùng với sắp xếp trường lớp, trong năm học đã thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ, ở các môn học, cấp học theo hướng tinh gọn, hiệu quả đảm bảo ưu tiên bố trí đủ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 và giáo dục tiểu học theo quy định. Liên tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên 80% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên.
Toàn ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích. Huy động các nguồn lực duy trì, nâng cao tỷ lệ trẻ được ăn bán trú và chất lượng bữa ăn cho trẻ; phối hợp gia đình nhà trường, xã hội trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.
Nhờ vậy, tỷ lệ huy động trẻ ra nhóm, lớp tăng hơn so với năm học trước. 178/179 trường mầm non được cấp chứng nhận trường học an toàn phòng tránh tai nạn thương tích. 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần và được khám sức khỏe định kỳ, được cân đo, chấm biểu đồ theo dõi sự phát triển của trẻ theo quy định.
Chất lượng giáo dục tiểu học có nhiều chuyển biến. Khối lớp 1 thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có trên 97% học sinh được đánh giá hoàn thành trở lên với môn Tiếng Việt và môn Toán. Với khối 2, 3, 4, 5 tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành trở lên đạt trên 99%.
Giáo dục trung học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; hướng dẫn triển khai giáo dục STEM; đổi mới kiểm tra đánh giá, tiếp cận với Chương trình GDPT 2018.
Ở bậc THCS tỷ lệ xếp loại học lực khá, giỏi tăng hơn so với năm học trước với 44,5%. Ở THPT, 62,8% học sinh được xếp loại học lực khá giỏi, tăng hơn so với năm học trước trên 3%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững.
Triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành đã tích cực tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, các địa phương chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ; đảm bảo nhu cầu tối thiểu về phòng học, thiết bị, ưu tiên bố trí phòng học đảm bảo 1 phòng/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, 100% học sinh lớp 1 đều có đầy đủ sách giáo khoa để học tập.
Đặc biệt, tham mưu xây dựng Đề án "Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018” để triển khai thực hiện một cách bài bản, có lộ trình, kế hoạch chi tiết. Đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng các nguồn học liệu, giáo dục STEM...
Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học. Công tác giáo dục dân tộc được quan tâm, chú trọng. Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách đối với người dạy, người học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú trong toàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn năm học trước, giáo dục mũi nhọn có nhiều kết quả cao.
Chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được nâng lên. 100% trường phổ thông tổ chức thực hiện lồng ghép tiếng Anh trong giờ chào cờ đầu tuần và các hoạt động ngoại khóa; nhiều trường xây dựng phong trào "giáo viên và học sinh cùng học tiếng Anh”; 85% trường tạo được không gian Anh ngữ trong khuôn viên trường, lớp học; triển khai xây dựng bộ tài liệu song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh giới thiệu về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa đặc sắc của địa phương...
Cùng với đó, ngành GD&ĐT đã tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và dạy học. Trong thời gian nghỉ học ở trường vì dịch bệnh Covid-19, có 33,9% học sinh THCS, 97,08% học sinh THPT tham gia học trực tuyến.
Đặc biệt, trong năm học, các trường học được tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT. Toàn ngành đã triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025; kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Năm học 2020-2021, có 263 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 59,4%; tăng 22 trường so với năm học trước.
Với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Sở đã xây dựng và trình tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Chỉ đạo một số cơ sở GDPT có điều kiện chủ động, mở rộng hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện để nhà giáo, học sinh tiếp xúc với môi trường đào tạo tiên tiến, hiện đại...
Để thực hiện thành công 9 nhóm nhiệm vụ của năm học, toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc 5 giải pháp chủ yếu của năm học. Qua đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, thực hiện những bước chiến lược phát triển giáo dục dài hơi của tỉnh. Kết quả này là tiền đề để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh, cho đất nước.
Thanh Vy