Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành cả nước dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đổi mới quan trọng từ chương trình mới
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm phát triển con người Việt Nam, đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta xác định và kiên trì chỉ đạo, triển khai qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, đặc biệt là Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII. Đã có một số nghị quyết chuyên đề, nhiều văn bản chỉ đạo từ phía Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhằm triển khai chủ trương lớn này.
Trong đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là khâu đổi mới quan trọng nhằm đổi mới giáo dục phổ thông, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từ đó đến nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động để triển khai Nghị quyết 88 và các chỉ đạo của Chính phủ; từ các khâu như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hội nghị tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai ở lớp 1. Và thời điểm này, cần thiết phải có đánh giá, nhìn nhận để phát huy trong những năm tiếp theo kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả; đồng thời rút kinh nghiệm khâu còn có vướng mắc.
Báo cáo những kết quả đáng ghi nhận sau 1 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, toàn ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép trong năm học 2020-2021: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; vừa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1. Vì vậy, năm học được triển khai trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước.
Trước khi vào lớp 1 trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà nên các em học sinh hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi trên lớp, việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được
Do tình hình dịch Covid-19, ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, nhiệm vụ mới, tập huấn với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên, trong khi đó Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên, nhà trường tự chủ nhiều hơn; cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình nên có biểu hiện lo lắng...
Chia sẻ những kết quả cơ bản triển khai Chương trình GDPT 2018, theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT đã Ban hành Chương trình tổng thể và các Chương trình môn học: Chương trình GDPT kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 đã đáp ứng được mục tiêu đổi mới. Cách tiếp cận trong việc xây dựng Chương trình GDPT 2018 khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành. Đó là chuyển từ Chương trình định hướng nội dung sang Chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Trong việc tổ chức việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa: chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) đã bước đầu có kết quả tích cực; đã có 5 nhà xuất bản với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định 5 bộ SGK lớp 1, 3 bộ SGK lớp 2, 3 bộ SGK lớp 6 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng..
Việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình ETEP đã bước đầu được triển khai hiệu quả.
Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các địa phương đã xây dựng đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện, các nguồn vốn hỗ trợ đã được phân bổ cho các địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo kết quả một năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông .
Bên cạnh đó, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ, liên quan đến biên soạn SGK; tổ chức thực hiện lựa chọn, phát hành, tập huấn sử dụng SGK ở các địa phương; tài liệu giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất…
Triển khai Chương trình, sách giáo khoa GDPT thời gian tới, Thứ trưởng cho biết: Tiếp tục ban hành các chính sách sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và địa phương rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo Nghị quyết 51, trong đó tập trung chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và những điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản: trong đó, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tích cực rà soát đánh giá tham mưu Chính phủ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ; chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản theo thẩm quyền tạo hành lang pháp lý triển khai hiệu quả Chương trình, SGK GDPT…
Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT: Phối hợp với các Bộ ngành trung ương chỉ đạo địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng và thẩm quyền được Chính phủ giao nhiệm vụ tại Quyết định 404; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đổi mới Chương trình, SGK GDPT.
Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung vào giáo dục phổ thông; đẩy mạnh công tác truyền thông giúp xã hội, nhân dân hiểu và đồng thuận, đồng hành với Ngành trong quá trình triển khai CT, SGK mới.
Chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên (GV) và cán bộ quản lý (CBQL) đảm bảo chất lượng, hiệu quả; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình đào tạo giáo viên các trình độ; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm; chỉ đạo các trường sư phạm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng GV đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo lộ trình thực hiện.
Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục; tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng CSVC hiện có, trên cơ sở đó điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, bảo đảm đủ điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018; lập kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội...
Thực hiện chương trình GDPT mới, trong năm học vừa qua, toàn tỉnh Yên Bái có 580 lớp 1 với 17.960 học sinh, đều thực hiện CTGDPT 2018 với 100% học sinh có đầy đủ sách giáo khoa để học tập. Các lớp học đều được đầu tư thiết bị theo danh mục tối thiểu; vùng khó khăn, học sinh được trang bị bộ thiết bị thực hành môn Toán, Tiếng Việt.
100% giáo viên dạy lớp 1 đều đảm bảo đạt chuẩn về trình độ, năng lực. Toàn tỉnh đã tổ chức 75 lớp tập huấn trực tiếp cho 6.253 học viên, 11 lớp tập huấn trực tuyến cho 11.524 học viên, đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 1 và cán bộ quản lý được tập huấn đầy đủ.
Về thiết bị, 100% trường có cấp tiểu học có thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Về sách giáo khoa, các trường đều lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ, Sở đảm bảo công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn về sử dụng tài liệu, sách giáo khoa, tiếp cận CTGDPT mới.
Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT huyện, thị, thành phố tổ chức kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn lớp 1 với 107 trường, trên 260 giáo viên và tạo điều kiện 100% giáo viên dạy lớp 1 được dự giờ, góp ý, rút kinh nghiệm.
Qua đó, kết quả học tập đã có chuyển biến tích cực; học sinh tự tin, tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Hết năm học 2020 - 2021, tỷ lệ học sinh lớp 1 xếp loại hoàn thành trở lên đạt 97,3%, tăng 0,1% so với năm học trước; 8.240 học sinh được khen thưởng, đạt tỷ lệ trên 46,5%.
Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện CTGDPT mới cho 592 lớp với 18.120 học sinh khối lớp 1 và 580 lớp với 17.888 học sinh khối lớp 2 và phân công 1.730 giáo viên dạy lớp 1 và lớp 2. Tỉnh đã chỉ đạo cơ bản chuẩn bị đảm bảo cơ sở vật chất đủ với 1 phòng học/lớp để dạy 2 buổi/ngày cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực đảm bảo 100% học sinh lớp 1 và lớp 2 đều có đủ sách giáo khoa để học.
Tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng đồng bộ, nhất là đối với vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng biên chế đảm bảo đáp ứng nhu cầu giáo viên theo cơ cấu, tỷ lệ; chủ động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, giáo viên nhất là đối với giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6... để CTGDPT mới đạt hiệu quả cao.