Bỏ đánh giá bằng điểm số và chuyển sang đánh giá hoàn toàn bằng nhận xét với một số môn học, bỏ tính điểm trung bình tất cả các môn học… là những điểm mới quan trọng trong cách đánh giá học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông theo Thông tư Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp trung học. Cụ thể, từ năm học 2021-2022 áp dụng Thông tư này đối với lớp 6; từ năm học 2022-2023 áp dụng tiếp cho lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 thực hiện với lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 thực hiện với hai lớp còn lại là lớp 9 và lớp 12.
Thông tư 22 quy định hai hình thức đánh giá là bằng nhận xét và bằng điểm số. Trong đó, việc đánh giá bằng nhận xét, ngoài ý kiến chính của giáo viên còn có sự tham gia phối hợp của học sinh, phụ huynh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học trò. Cả đánh giá bằng nhận xét và điểm số đều được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ.
Khác với các thông tư quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trước đây, Thông tư 22 cho phép một số môn chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Cụ thể, các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập theo môn học chỉ được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt và chưa đạt.
Đối với các môn học còn lại, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 và phải làm tròn đến chữ số thập phân thứ nhất nếu điểm là số nguyên hoặc số thập phân.
Thông tư 22 cũng bỏ quy định về lấy điểm trung bình học các môn để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm. Điểm trung bình học kỳ và năm học chỉ được tính của riêng cho từng môn học.
Thay vì xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như quy định hiện hành,Thông tư 22 đánh giá kết quả học tập của người học theo 4 mức tốt, khá, đạt, chưa đạt đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và hai mức đạt, chưa đạt đối với môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.
Khi tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có đạt từ 8 điểm trở lên, thì học sinh được đánh giá kết quả học tập ở mức tốt.
Nếu học sinh có kết quả học tập tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt, đồng thời tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt từ 6,5 điểm trở lên, thì được đánh giá mức khá.
Kết quả học tập của học sinh được đánh giá mức đạt khi có nhiều nhất một môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức chưa đạt và có ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 5 điểm trở lên, không có môn học nào dưới 3,5 điểm.
Các trường hợp còn lại, học sinh được đánh giá là chưa đạt.
Việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh ở Thông tư 22 được đánh giá theo một trong 4 mức tốt, khá, đạt và chưa đạt thay vì xếp loại hạnh kiểm tốt, khá, trung bình, yếu như quy định hiện hành.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 22 yêu cầu việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học. Theo đó, việc đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan. Hoạt động này phải coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh này với học sinh khác.
Mục đích của việc đánh giá là xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt, nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập; cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thông qua đó cũng có sự điều chỉnh hoạt động dạy học cho phù hợp./.
(Theo Vietnam+)