Ông Trần Điệu - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ 2, phường Tân An cho biết: "Để mô hình triển khai có hiệu quả, chúng tôi đã xây dựng quy ước tổ dân phố. Trong đó, nội dung thực hiện chính là vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải đúng nơi quy định; quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước; nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư, trong hoạt động du lịch và chung trong toàn thị xã... Các hoạt động của tổ dân phố đều được lồng ghép tuyên truyền để nâng cao nhận thức, sự nhiệt tình hưởng ứng của hội viên và nhân dân”.
Sau một thời gian triển khai, các tuyến đường lớn của tổ đều được xây dựng, tu bổ, đảm bảo "Sáng, xanh, sạch, đẹp”; nhân dân tích cực tham gia tập luyện thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, phát huy tốt các hoạt động tại nhà văn hóa của tổ; các gia đình đều đăng ký và thực hiện có hiệu quả các danh hiệu học tập và đạt điểm cao”.
Bên cạnh đó, mô hình "Khuyến học gắn với việc thu gom xử lý rác thải nhựa trong các nhà trường” cũng là một trong những mô hình thiết thực, sáng tạo của HKH thị xã Nghĩa Lộ. 100% các đơn vị trường học trên địa bàn đã hưởng ứng tham gia, đưa nội dung phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tích hợp vào nội dung giảng dạy của một số môn học, phù hợp với từng cấp học.
Đồng thời, xây dựng thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, tổ chức hướng dẫn giáo viên và học sinh nghiên cứu khoa học, sáng kiến kỹ thuật áp dụng vào việc phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
Thường xuyên tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, em Hoàng Văn Tuyến học sinh Trường THCS Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Nghe thầy cô giáo giảng dạy về tác hại của rác thải nhất là rác thải nhựa em biết rác thải nhựa rất khó phân hủy và có hại cho môi trường cần phải hạn chế sử dụng. Khi ở trường hay ở nhà em đều tự nhắc nhở bản thân không vứt rác bừa bãi; tích cực thu gom, tái sử dụng rác thải nhựa để bảo vệ môi trường sống sạch, đẹp cho bản thân, gia đình và mọi người”.
Mô hình "Khuyến học gắn với việc thu gom xử lý rác thải nhựa trong các nhà trường” đã huy động hơn 900 lượt cán bộ giáo viên, 15.000 lượt học sinh thực hiện thu gom, phân loại các sản phẩm đã qua sử dụng làm từ nhựa ở trường, gia đình, nơi công cộng và vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định; 100% các trường mầm non đã thực hiện tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa để làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, hạn chế sử dụng sản phẩm làm từ nhựa.
Ngoài ra, dựa vào đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương, HKH thị xã Nghĩa Lộ còn xây dựng các mô hình "Khuyến học gắn với Du lịch cộng đồng” và "Trung tâm học tập cộng đồng” điển hình. Tham gia vào mô hình "Khuyến học gắn với Du lịch cộng đồng” 14/30 hộ được làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động với tổng số tiền 280 triệu đồng.
Đối với mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng” điển hình đã mở được 01 lớp đào tạo nghề cho 30 lao động nông thôn, 6 lớp xóa mù chữ mức độ 2 cho 135 học viên, 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; tổ chức học tập chính sách pháp luật, kiến thức xây dựng nông thôn mới nâng cao cho 1.250 lượt người.
Có thể thấy, các mô hình khuyến học mà HKH thị xã Nghĩa Lộ triển khai đã góp phần cùng với các cấp chính quyền nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch HKH thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Sau 2 năm triển khai, các mô hình khuyến học đã đi sâu vào đời sống nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc học tập, phát triển kinh tế, chung tay xây dựng thị xã giàu đẹp, văn minh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng cấp, huy động cả hệ thống chính trị, mọi lực lượng xã hội nhằm tạo sự thống nhất, ủng hộ của toàn thể nhân dân”.
Lê Thương