Xác nhận với PV chiều nay (1/11), ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trên cơ sở thống nhất đề xuất của đơn vị này, UBND TP Hà Nội cho phép học sinh một số vùng trên địa bàn đi học trực tiếp tại trường từ ngày 8/11.
Cụ thể, trước mắt ưu tiên học sinh các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay SGK, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp đi học trực tiếp ở trường. Cụ thể, đối với tiểu học là học sinh khối lớp 5; cấp THCS là khối lớp 6,9; cấp THPT là khối lớp 10 và 12.
Các khối lớp còn lại học trực tuyến và học sinh mầm non nghỉ học tại nhà.
Hà Nội: Cho phép học sinh một số vùng trở lại trường học từ ngày 8/11 - 1Nhấn để phóng to ảnh
Học sinh thuộc các xã có mức độ dịch ở cấp độ 1,2 của Hà Nội sẽ trở lại trường học từ ngày 8/11 (Ảnh: M. Hà).
Cũng theo văn bản này, các trường học được ưu tiên trở lại trường học lần này thuộc các địa phương của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1 và 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng.
Đối với những trường có học sinh trên nhiều địa bàn khác nhau, nhà trường phải nắm rõ thông tin của các học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi học sinh cư trú.
Trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống Covid-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10/2021 của Sở GD-ĐT và Sở Y tế.
Ngoài ra, trường phải có phương án đảm bảo giãn cách, giảm bớt sĩ số học sinh/buổi dạy. Giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi tiêm vaccine phòng chống Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.
Các địa phương, trường học cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho học sinh trước, trong, sau khi đến trường theo đúng hướng dẫn liên ngành.
Học sinh cần hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh: "Một cung đường, hai điểm đến"; phụ huynh học sinh bảo đảm tiêm vaccine ít nhất một mũi đạt trên 90%.
Không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân.
Chỉ tổ chức dạy học trực tiếp một buổi/ngày, tổ chức dạy luân phiên đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh; kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý với những nội dung giảng dạy, đạt hiệu quả cao nhất.
Việc cho học sinh trở lại trường học cần phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo thận trọng, lấy địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để đánh giá và xây dựng tiêu chí, làm từng bước thận trọng đảm bảo tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh.
Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp huyện, thị xã, phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của các trường trên địa bàn.
Trong quá trình học sinh trở lại trường, nếu xảy ra trường hợp dịch tễ, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 cấp huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học, ngày 19/10/2021, đơn vị này đã tổ chức họp trực tuyến với phòng Giáo dục và Đào tạo của 30 quận, huyện, thị xã, 16 cụm trường trung học phổ thông, các cụm trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố để lấy ý kiến đóng góp về phương án cho học sinh trở lại trường học và 100% các đại biểu tham dự hội nghị đều đồng ý.
Về tiêm chủng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đều đạt tỉ lệ cao, trung bình trên 98,5% đã được tiêm mũi 1 và hơn 62%% đã được tiêm mũi 2 ( một số huyện đạt hơn 80%).
Cơ sở vật chất giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly tập trung tại Hà Nội đã được địa phương trả lại cho các đơn vị giáo dục để học tập.
Trước đó, Hà Nội đã ban hành hướng dẫn liên ngành, chuẩn bị cho việc đón học sinh quay trở lại trường học tập khi đủ điều kiện an toàn chống dịch tại các cơ sở giáo dục.
Hướng dẫn gồm nhiều quy định những việc cần làm của nhà trường, giáo viên và học sinh trước, trong, sau khi các em đến trường học.
Cùng với đó, Hướng dẫn liên ngành Sở GD-ĐT và Sở Y tế Hà Nội cũng cung cấp bộ 16 tiêu chí đánh giá trước, trong và sau khi học sinh đến trường học.
Mỗi tiêu chí đánh giá ở hai mức: Đạt và Không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn và ngược lại.
Căn cứ trên các tiêu chí đánh giá đó, có thể đánh giá trường học đủ điều kiện an toàn để học sinh trở lại trường học hay chưa.
(Theo Dân Trí)