Với đặc thù của các trường nội trú là học sinh học tập và sinh hoạt tại nhà trường, ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh xác định việc xây dựng không gian thư viện phong phú, đa dạng và thuận tiện để học sinh được đọc những cuốn sách hay, phù hợp lứa tuổi sẽ giúp các em được bổ sung nhiều kiến thức mới, tăng sự hiểu biết vốn từ và hình thành thói quen đọc sách, hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp nhận kiến thức áp dụng vào quá trình học tập.
Giới thiệu về thư viện của nhà trường, bà Tô Tú Anh - cán bộ thư viện cho biết: "Năm học 2020 - 2021, nhà trường được chuyển sang một khu mới với thư viện được xây dựng khang trang trên diện tích 200 m2 gồm phòng đọc truyền thống và phòng đọc điện tử với 25 máy tính trong không gian rộng rãi, thuận lợi cho các thầy cô giáo và các em đọc sách, học bài sau những giờ lên lớp.
Thư viện hiện có trên 20.000 bản sách gồm nhiều lĩnh vực: sách giáo khoa, sách tham khảo sách rèn luyện kỹ năng sống… được phân loại, sắp xếp một cách khoa học giúp giáo viên, học sinh dễ dàng tìm kiếm. Nhà trường cũng phối hợp với Thư viện tỉnh tăng cường trao đổi, luân chuyển sách để đảm bảo lượng sách đa dạng, phong phú phục vụ học sinh.
Bên cạnh đó, thư viện điện tử với hàng trăm đầu sách cũng giúp các em tiếp cận tri thức một cách nhanh chóng, hiệu quả bằng công nghệ. Ngoài ra, trong khu ký túc xá của học sinh, nhà trường dành riêng một phòng ở tầng 1 để học sinh thực hiện các hoạt động chung, trong đó có đặt "Tủ sách thắp sáng ước mơ” để các em có thể thỏa sức nghiên cứu, học tập.
Em Phạm Lý Ngọc Đức - học sinh Lớp 12A phấn khởi: "Không gian thư viện của trường rất đẹp, có nhiều loại sách phục vụ cho việc học tập của chúng em. Đặc biệt, em rất yêu thích không gian "Tủ sách thắp sáng ước mơ”, bởi đây là "điểm hẹn” lý tưởng em cùng các bạn thường tìm đến để đọc những cuốn sách mình yêu thích sau giờ tự học”.
Mô hình "Thư viện xanh” của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải xây dựng từ năm 2017. Do đa số học sinh là người dân tộc Mông nên bên cạnh đầu tư cho thư viện, nhà trường còn xây dựng góc không gian văn hóa Mông để trưng bày và lưu giữ các vật dụng đặc trưng mang giá trị văn hóa dân tộc để các em có thể tìm hiểu, trải nghiệm. Những cô bé, cậu bé ngồi tụm năm, tụm ba trong thư viện hay trên ghế đá, xích đu dưới mỗi chiếc ô cọ được trang trí bắt mắt để đọc sách đã trở thành nét đẹp của ngôi trường này.
Em Lý Thị Mai - học sinh Lớp 9A cho biết: "Dưới sự hướng dẫn của cán bộ thư viện, em tự chọn cho mình những cuốn sách, truyện lý thú, bổ ích để đọc và học”. Các em học sinh nội trú chủ yếu học tập và sinh hoạt tại trường nên ít có thời gian để chơi, do đó, thư viện đã trở thành nơi để các em giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng.
Luôn quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú gắn với thư viện và hoạt động đọc của học sinh, thầy Cố Trường Khánh - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: "Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, kho sách, Ban Giám hiệu nhà trường đã phân công lịch đọc sách cho các lớp; đưa hoạt động đọc sách tại thư viện vào hoạt động ngoại khóa của các lớp. Ngoài ra, vào Ngày sách Việt Nam, nhà trường đều tổ chức chương trình trưng bày, giới thiệu về sách cho các em học sách thông qua việc thi thuyết trình, sáng tạo mô hình... về sách giữa các lớp, khối, góp phần khơi dậy đam mê, thói quen đọc sách, giúp các em tích lũy tri thức, kỹ năng sống”.
Xây dựng thư viện chất lượng, duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách, giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy, tự học, khám phá tri thức, các trường nội trú trên địa bàn tỉnh đang từng bước hình thành thói quen, kỹ năng, lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và lối sống văn hóa lành mạnh cho học sinh.
Thanh Chi