Để công tác tuyên truyền, PBGDPL đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh, sinh viên với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng trường như: tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; các buổi ngoại khóa, tọa đàm; lồng ghép vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, các môn học trong các nhà trường.
Năm 2021, Sở GD&ĐT đã phối hợp tham gia, tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” đến 100% các trường, thu hút trên 7.000 lượt thí sinh tham gia; phối hợp phát động Cuộc thi "Đi đường an toàn cho bạn - cho tôi”; tuyên truyền "Đội mũ cho con - trọn tình cha mẹ” tại 30 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho nhân viên y tế các trường; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật tới cán bộ, giáo viên, học sinh...
Cùng với đó, các nhà trường phát huy tốt vai trò của Đội thiếu niên tiền phong, Đoàn thanh niên; huy động sự tham gia phối hợp của phụ huynh học sinh trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên nói không với ma túy; ký cam kết không vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông; xung kích tình nguyện giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông tại cổng trường, khu dân cư.
Đến nay, một số trường học còn linh động tổ chức tuyên truyền PBGDPL thông qua mạng xã hội như Face, Zalo; thành lập các câu lạc bộ: Thanh niên với pháp luật; phòng, chống bạo lực học đường; Thanh niên với an toàn giao thông thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Học sinh hào hứng tham gia tìm hiểu kiến thức pháp luật.
Thầy giáo Nguyễn Đức Cường - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái cho biết: "Xác định rõ tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh là điều cần thiết nên nhà trường thường xuyên phối hợp với ngành công an, đoàn thanh niên tuyên truyền, PBGDPL phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép vào nội dung môn học giáo dục công dân. Qua đó, giúp các em nâng cao hiểu biết pháp luật và có thể vận dụng linh hoạt trong xử lý các tình huống diễn ra trong đời sống”.
Đi đôi với tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng quan tâm xây dựng, quản lý và khai thác có hiệu quả hơn 440 Tủ sách pháp luật; mỗi tủ sách pháp luật có ít nhất 50 đầu sách, gồm các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Các tủ sách pháp luật cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc do hàng năm, Sở GD&ĐT đều bố trí kinh phí mua sách mới bổ sung.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tổ chức biên soạn, phát hành nhiều tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền như: đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới; các tập hệ thống văn bản pháp luật theo chủ đề; cẩm nang pháp luật cho cán bộ, công chức; tờ rơi, tờ gấp về phòng, chống ma túy, bạo lực học đường, bảo vệ môi trường.
Đến nay, ngành giáo dục đã xây dựng được hơn 40 trang thông tin điện tử thường xuyên đăng tải các văn bản luật; văn bản hướng dẫn chỉ đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL phục vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và mọi người dân trong việc tra cứu, tham khảo và tự bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó ưu tiên các hình thức tọa đàm, thành lập câu lạc bộ, hội thi…; chú trọng nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học; tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên…
Hồng Oanh