Vén làn sương mù trong cái rét ngọt đầu đông, cô giáo Đào Vân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đưa tôi vượt hơn 15 km từ trung tâm xã Khao Mang lên bản Cáng Dông - điểm trường lẻ xa nhất xã. Quanh co, uốn lượn theo sườn núi, con đường đến Cáng Dông vừa nhỏ hẹp lại toàn dốc ngược. Phải là tay lái cứng thì mới đảm bảo an toàn, song với cô giáo Vân Anh thì đây là con đường hạnh phúc rồi.
Vừa chăm chú lái xe, cô Vân Anh vừa cho biết: "Chỉ cách đây 3 năm thôi, khi con đường này chưa được bê tông, việc đi lại thực sự là nỗi ám ảnh của giáo viên cũng như bà con. Trời nắng thì còn đỡ chứ trời mưa việc đi lại là không tưởng”.
Dốc ngược nên cứ một lúc, cô giáo Vân Anh lại nhắc tôi ngồi sát vào để giảm trọng lực phía sau. Trên đường đi, cô Vân Anh tâm sự: "Quê em ở Phú Thọ, sau khi ra trường em xin lên dạy học ở Mù Cang Chải. Những khó khăn ban đầu vượt xa sự mường tượng của một cô giáo trẻ như em lúc bấy giờ. Đường sá đi lại vô cùng khó khăn cùng sự bất đồng ngôn ngữ, có lúc nhụt chí. Nhưng rồi thương các em vùng cao nghèo khó, em quyết tâm học tiếng dân tộc Mông để gần gũi và hòa nhập với các em. Đến nay, tròn 13 năm gắn bó với các em học sinh vùng cao, em được tỉnh luân chuyển về công tác tại trường vùng thấp, song em nguyện vẫn gắn bó với nơi này, chị ạ...”.
Câu chuyện của hai chị em mới quen thôi nhưng cảm giác đã gần gũi lắm. Rồi điểm trường lẻ Cáng Dông hiện ra. Trước mắt chúng tôi là một căn nhà cấp 4 lợp tôn được xây dựng trên khoảng đất khá rộng rãi, bên cạnh có một vườn rau nhỏ để buổi trưa các cô có thêm rau vào bữa ăn cho trẻ. Ở đây có 1 lớp ghép 3 - 5 tuổi do 2 cô giáo dạy. Nhìn thấy người lạ đến, các con đứng lên khoanh tay chào lễ phép, rồi sau bắt nhịp của cô giáo, bài hát "Cô và mẹ” được các con hát to, dù vẫn còn chút ngọng.
Cô giáo Lò Thị Nhung - giáo viên điểm trường Cáng Dông tâm sự: "Vì là giáo viên trẻ nên thời gian đầu công tác em gặp rất nhiều khó khăn bởi đường sá đi lại khó khăn, điện lưới không có; hạn chế về kinh nghiệm dạy trẻ, về giao tiếp với trẻ là người dân tộc Mông. Thế nhưng, được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, đặc biệt là cô giáo Giàng Thị Cang em đã nhanh chóng hòa nhập với đời sống, sinh hoạt của bà con nơi đây. Giờ đây, niềm hạnh phúc mỗi ngày của chúng em là khi thấy các con mạnh khoẻ, biết múa hát, biết đọc, biết viết”.
Điều đặc biệt ấn tượng với tôi ở điểm trường này là các cô giáo còn dành thời gian, tâm sức để trang trí không gian chợ quê với rất nhiều những sản phẩm gần gũi đời sống vừa để các con được vui chơi, vừa rèn luyện cho trẻ các kỹ năng phát triển ngôn ngữ.
Không chỉ điểm lẻ Cáng Dông, mà điểm lẻ khác của các trường học ở vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngoài việc đường sá đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt cũng như dạy học của các thầy, cô giáo rất nhiều thiếu thốn. Hiện nay, toàn tỉnh có 13.372 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, riêng 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu có gần 2.000 người.
Ngoài ra, còn nhiều thầy cô đang công tác tại các xã vùng cao của các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình. Biết rằng nhận công tác tại các xã vùng cao cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với những khó khăn như: bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về phong tục, tập quán, đi lại, sinh hoạt, vận động học sinh ra lớp, nhiều nơi chưa có điện, xa gia đình… thế nhưng, từ sự tận tâm với nghề, nhiều thầy cô đã trở thành "người con” của bản.
Cũng nhờ vào tình yêu nghề, sự quyết tâm bám bản, bám lớp, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cho con em đi học của đội ngũ giáo viên nên các bản làng vùng cao ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu hay nhiều xã vùng cao của huyện Trấn Yên, Văn Yên..., tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn, trẻ em trong độ tuổi đều được đi học.
Thầy Nguyễn Văn Bằng - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu tâm sự: "Thời gian dạy ở điểm trường lẻ Tà Ghênh, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là phải duy trì sĩ số, quyết tâm không để học sinh bỏ học giữa chừng. Do vậy, ngoài nhiệm vụ trên lớp, giáo viên có nhiệm vụ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đi học. Niềm vui lớn nhất là mỗi khi lên lớp, thấy học sinh của mình đông đủ, thêm một học sinh biết đọc, biết viết cũng chính là một món quà đầy ý nghĩa với chúng tôi”.
Nhiều năm gắn bó tâm huyết với mảnh đất gian khó và những lớp học thân thương, khó có thể kể hết những vất vả, nhọc nhằn mà các thầy, các cô đã phải trải qua. Nhưng với cô Vân Anh, cô Nhung hay thầy Bằng và nhiều thầy cô giáo khác vì lòng yêu nghề, mến trẻ đã luôn sẵn sàng ở nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa để cống hiến, mong sao các em học sinh đều được tới trường, được học tập, để có một tương lai tươi sáng.
Chia tay các thầy, cô giáo vùng cao, trong tôi vẫn văng vẳng những tiếng đọc ê, a ngọng nghịu của các trò nhỏ giữa trập trùng núi non. Và tôi biết, đó là hạnh phúc, là động lực lớn lao để những người gieo chữ nơi rẻo cao thêm yêu, thêm gắn bó và vững tin trên hành trình "gùi” chữ lên non.
Thanh Chi