"Người thầy của muôn đời"

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2021 | 9:35:28 AM

Trong Văn Miếu thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội, Chu Văn An là danh nhân Việt Nam được thờ phụng cùng với Khổng Tử. Hết lòng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, ông là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, là “người thầy mẫu mực của muôn đời”.

Ban thờ và tượng thờ Chu Văn An ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Ban thờ và tượng thờ Chu Văn An ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

"Học không biết mỏi, dạy không biết chán”

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội), cho biết: Các di tích liên quan đến danh nhân văn hóa Chu Văn An (1292-1370) ở thôn Văn gồm đình Nội, văn chỉ (nguyên thủy cùng được xây dựng từ năm 1765) và miếu Thổ Kỳ ở thôn Trung... đều được bảo tồn, tu bổ tốt. Đặc biệt, trong đình Nội, di tích cấp quốc gia, còn lưu giữ được nhiều di vật quý gồm: 5 sắc phong thần, 6 tấm bia đá, hoành phi, câu đối, thần phả. Đáng chú ý nhất là tượng Chu Văn An to gần bằng người thật, đặt trong khám ở nơi cao nhất hậu cung. Đó là các địa chỉ giáo dục truyền thống được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm phát huy giá trị lâu dài.

Ở Thanh Liệt còn lưu truyền nhiều tư liệu, câu chuyện lý thú về cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An. Các câu chuyện kể, các ghi chép đều khẳng định: Tuy xuất thân trong một gia đình bình thường nhưng Chu Văn An đã vượt lên hoàn cảnh, trở thành danh nhân văn hóa lỗi lạc của đất nước. Khác với nhiều người thường chọn con đường làm quan để "vinh thân, phì gia”, sau khi đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ), Chu Văn An về quê, mở trường dạy học tại làng Huỳnh Cung (nay thuộc xã Tam Hiệp, quân Hoàng Mai).

Có mặt tại khu vực từng có trường học mang tên Huỳnh Cung do nhà giáo Chu Văn An mở, chúng tôi mường tượng quy mô của một ngôi trường làng đặc biệt đã thu hút đến hàng nghìn học trò gần xa. Tại đây, học trò được thụ giáo 3 nội dung "giáo kính, giáo trung, giáo văn” (dạy sự cung kính, dạy sự trung hậu, dạy văn hóa và sự văn nhã) theo triết lý của thầy Chu. Đây là triết lý giáo dục rất đúng đắn và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông khuyên nhủ học trò: "Học mới chỉ là có mắt, hành mới có chân. Có mắt có chân mới tiến bước được; có biết mới có làm, có làm mới biết. Cái biết trong làm là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất”.

Là người say mê học tập suốt đời, Chu Văn An đã truyền ngọn lửa nhiệt tình học tập, tu dưỡng, mong muốn các thế hệ học trò thực học, thực tài, trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội. Theo bộ sách "Đại Việt sử ký toàn thư”, phần "Kỷ nhà Trần”, trong số học trò của ông, có 2 người thành danh nhất là Phạm Sư Mạnh (1300-1384), quê ở Hải Dương, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), làm quan đến chức Tri khu mật viện sự, Nhập nội nạp ngôn, và Lê Quát (1319-1386), quê ở Thanh Hóa, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), làm quan đến chức Thượng thư hữu bật, Nhập nội hành khiển (cả hai người đều giữ chức vụ chỉ dưới Tể tướng).

Trân trọng hiền tài, vua Trần Minh Tông (1300-1357) mời Chu Văn An ra kinh đô Thăng Long làm chức quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái tử Trần Vượng, người sau này là vua Trần Hiến Tông. Trong gần 30 năm làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Chu Văn An đã tiếp tục thực hiện triết lý giáo dục của mình. Ông đã tâu với vua Trần Minh Tông (1314-1329) rằng: "Thần chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được”. Cũng tại Quốc Tử Giám, nhà giáo Chu Văn An là người đầu tiên mở ra việc giảng dạy chính quy bằng cách viết sách giáo khoa, đưa việc dạy học vào nền nếp quy củ, khoa học, có chất lượng. Minh chứng rõ nhất là bộ giáo trình dạy học chính do cụ biên soạn mang tên "Tứ thư thuyết ước”, giải nghĩa, tóm lược nội dung của 4 cuốn sách của giáo dục Nho học là Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử.

Nhà giáo dục hành động

Theo đánh giá của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vĩ, Chu Văn An là nhà giáo dục hành động, luôn theo đuổi và thực hiện triết lý hành động, triết lý thực tiễn. Điều đó vượt xa quan điểm của nhiều nhà giáo dục đương thời chỉ quan tâm đến giáo dục thuần lý, rất ít hoặc không gắn với đời sống.

Tư tưởng, quan điểm đạo đức, quan điểm giáo dục của Chu Văn An không chỉ nổi bật lúc sinh thời mà còn đi trước thời đại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Các tư tưởng, quan điểm đó tập trung vào 4 nội dung chính là: Cùng lý, Chính tâm, Tịch tà, Cự bí. Cùng lý là bàn luận đến cùng để biết rõ bản chất của sự vật. Chính tâm là giữ lòng mình luôn luôn ngay thẳng, chính trực, không làm bất cứ điều gì trái với lương tâm. Tịch tà là chống lại, trừ bỏ những tà thuyết, những điều phương hại đến đời sống, thuần phong mỹ tục. Cự bí là đấu tranh, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, bức bách để sống và cống hiến cho cộng đồng. Triết lý hành động của cụ luôn gắn với hành động, vì thế, trong thực tế cuộc sống, cụ luôn quan tâm đầy đủ đến việc học và hành (của bản thân mình, của học trò); thúc đẩy nâng cao chất lượng cả hai mặt trí dục và đức dục (truyền thụ tri thức và giáo dục đạo đức).

Cả cuộc đời mình, ngoài việc học tập, dạy học, làm thuốc chữa bệnh, Chu Văn An còn sáng tác nhiều thể loại với nhiều tác phẩm giá trị. Về giáo dục, ông có cuốn "Tứ thư thuyết ước”; về y học có cuốn "Y học yếu giải tập chu di biên”; về thơ có "Quốc ngữ thi tập”; về văn, nổi bật nhất là "Thất trảm sớ” gắn liền với tư tưởng, khí phách của ông. Theo một số tư liệu ở địa phương, "Thất trảm sớ” là tờ trình ông tâu vua cho "trảm” (chém) 7 nịnh thần gây chia rẽ, phá hoại triều đình và xã hội. Đó là các tên: Hoạn quan Mai Thọ Đức ở Chi hậu cục - lạm dụng chức quyền; ngự y Trâu Canh - độc ác, hủ bại, lừa lọc; Chính trưởng phụng ngự Bùi Khoan - sa đọa, bất kính; Văn Hiến hầu - kéo bè kết đảng, gây rối loạn; Hành khiển Tả ty Lang trung Nguyễn Thanh Lương - xảo trá, tham lam; Hành khiến hữu ty, Hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu - sa đọa, tham lam, bất nhân; Đồng binh Chương sự Đoàn Nhữ Cẩu - bòn rút của công; lơ là việc quân... Chu Văn An khẳng khái viết rằng: "Để giữ nghiêm phép nước (...), xin bệ hạ cho chém đầu 7 tên gian thần trên, tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố, để làm gương răn đe kẻ khác”. Tuy việc này không được vua Trần Dụ Tông chấp thuận nhưng tiếng vang của "Thất trảm sớ” còn vọng đến muôn đời sau.

Hậu thế đánh giá, tôn vinh Chu Văn An là "người thầy có bộ óc uyên thâm và trái tim nồng hậu”. Không chỉ là nhà giáo lỗi lạc của một đời, ông còn được tôn là "vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840) khẳng định: "Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.

Cuộc đời của Chu Văn An đã chứng tỏ rằng: Cả hai mặt của đạo đức (ngoài - thuần nhã, hiền hòa; trong - chính trực, kiên định) đều nhằm cái đích hết lòng phụng sự nước nhà. Theo nhận định của sử gia Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV), người biên soạn bộ sách "Đại Việt sử ký toàn thư”, Chu Văn An là người "thờ vua thì thẳng thắn can ngăn; xuất xử thì làm theo nghĩa lý; đào tạo nhân tài thì dốc lòng dốc sức”. Chu Văn An đã góp phần tích cực cải tạo đạo đức xã hội: "Tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm; giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ (...) thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta”. Công lao góp phần đổi mới chính sự và giáo dục càng khẳng định Chu Văn An suốt đời là con người của hành động vì nước, vì dân. Ông đã chỉ ra con đường giúp đất nước tiến lên là con đường giáo dục và hằng mong có "vua sáng” cùng "tôi hiền” trên dưới chung sức, chung lòng chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Tầm vóc nhà giáo vĩ đại Chu Văn An vượt lên thời đại, trở thành tấm gương ngời sáng mãi.

(Theo HNMO)

Các tin khác

Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, đại học công lập.

Dù tiếng Anh là môn học ngày càng được coi trọng ở Việt Nam nhưng chỉ số thông thạo trên toàn cầu về tiếng Anh của nước ta vẫn tiếp tục tụt giảm (ảnh minh họa)

Bản báo cáo năm 2021 về chỉ số thông thạo tiếng Anh của EF cho thấy, từ vị trí 52 vào năm 2019, Việt Nam xuống hạng 66 trong năm nay.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cùng học trò trong một buổi hoạt động ngoại khóa của Trường Marie Curie

Vị thế của người thầy phải do chính người thầy tạo nên, xã hội suy tôn, không ban tặng.

Các đồng chí lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Ngày 16/11, UBND huyện Lục Yên tổ chức gặp mặt kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2021).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục